FiinRatings: 'Trái phiếu xanh đang là xu hướng trên thị trường vốn'

sự kiện Việt nAM
14:21 - 11/10/2022
Tài chính xanh ‘tiếp sức’ cho mục tiêu tăng trưởng xanh tại Việt Nam.
Tài chính xanh ‘tiếp sức’ cho mục tiêu tăng trưởng xanh tại Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Tín dụng xanh, trái phiếu xanh là giải pháp tối ưu về vốn cho các ngành, lĩnh vực xanh. Các chuyên gia cho rằng việc phát triển nguồn tài chính xanh đang gặp khó khăn nhưng doanh nghiệp có thể tính đến phương án huy động vốn trái phiếu xanh quốc tế.

Vai trò của tín dụng ngân hàng đối với tăng trưởng xanh

Phát biểu tại Hội thảo “Hiện thực hóa cam kết phát thải ròng bằng 0: Cơ hội và thách thức với các doanh nghiệp” sáng 11/10, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, Việt Nam được xếp vào nhóm thứ 2 các quốc gia có sự tiến bộ đáng kể trong tiến trình phát triển bền vững tại Báo cáo Đánh giá tiến bộ quốc gia giai đoạn 2020 - 2021 của Mạng lưới tài chính và ngân hàng bền vững (SBFN).

Theo bà Tùng, giai đoạn 2017 - 2021, dư nợ cấp tín dụng xanh có tăng trưởng bình quân 25%/năm.

Tính đến 30/6/2022, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh đạt hơn 474.000 tỷ đồng (chiếm 4,1% tổng dư nợ toàn nền kinh tế), tăng 7,08% so với năm 2021, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (47%), nông nghiệp xanh (32%). Dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt hơn 2.283 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 20% dư nợ cho vay của nền kinh tế, với hơn 1,1 triệu món vay.

Các tổ chức tín dụng có sự chuyển biến rõ rệt trong định hướng hoạt động tín dụng xanh, chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế để phát triển và triển khai cho vay chương trình tín dụng xanh.

Ví dụ điển hình như Dự án chuyển hóa carbon thấp sang lĩnh vực tiết kiệm năng lượng được các ngân hàng BIDV, ANZ triển khai với nguồn vốn do Chính phủ Đan Mạch tài trợ theo Chương trình hỗ trợ đầu tư xanh (GIF). Hay sản phẩm cho vay dự án phát triển năng lượng tái tạo tại các ngân hàng: Vietcombank, BIDV, Vietinbank, SHB, HDBank từ nguồn vốn Ngân hàng Thế giới (World Bank).

Ngoài ra, còn có sản phẩm cho vay công trình xanh từ nguồn vốn của IFC tại VPBank; sản phẩm cho vay lại để triển khai các dự án năng lượng tái tạo từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) thông qua Vietcombank.

Cần quy định về tiêu chí, danh mục dự án xanh để làm căn cứ cấp tín dụng

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, bà Phạm Thị Thanh Tùng cho rằng nguồn tín dụng ngân hàng cho tăng trưởng xanh vẫn còn tồn tại rất nhiều những khó khăn, hạn chế do Việt Nam chưa có quy định chung về tiêu chí, danh mục dự án xanh cho các ngành/lĩnh vực theo hệ thống phân ngành kinh tế, làm căn cứ để các tổ chức tín dụng xác định cấp tín dụng xanh cho giai đoạn tới.

Việc cấp tín dụng xanh đòi hỏi yếu tố kỹ thuật về môi trường chuyên sâu, nên khó khăn cho cán bộ tín dụng trong việc thẩm định, đánh giá hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ của khách hàng.

Ngoài ra, còn có khó khăn trong việc giám sát và quản lý rủi ro khi cấp tín dụng do thiếu quy định tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá công cụ đo lường tác động đến môi trường.

Bên cạnh đó, việc đầu tư vào các ngành/lĩnh vực xanh, nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo, công trình xanh thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn. Trong khi nguồn vốn cho vay của các tổ chức tín dụng thường là vốn huy động ngắn hạn. Điều này gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong việc cân đối vốn và đảm bảo tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo quy định

Cũng theo bà Tùng, một hạn chế nữa đến từ ý thức bảo vệ môi trường của người dân, doanh nghiệp dẫn đến bị xử phạt vi phạm pháp luật về môi trường, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án, tiềm ẩn rủi ro thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng.

Để gỡ khó cho nguồn tín dụng xanh, đại diện NHNN đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có hướng dẫn về Danh mục xanh và tiêu chí xác định dự án xanh phù hợp với phân ngành kinh tế của Việt Nam làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng có căn cứ thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh.

Xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ các ngành xanh (từ thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, đến quy hoạch, chiến lược phát triển…) của từng ngành/lĩnh vực một cách đồng bộ nhằm thu hút và phát huy hiệu quả của nguồn vốn tín dụng xanh.

“Cần nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển thị trường vốn, thị trường trái phiếu xanh, tạo kênh huy động vốn cho các chủ đầu tư có thêm nguồn lực triển khai các dự án xanh”Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN

Về phía các ngân hàng, doanh nghiệp, bà Phạm Thị Thanh Tùng cho rằng, cần tạo thuận lợi cho các tổ chức tài chính quốc tế, các tổ chức tín dụng trong nước tham gia hoạt động hợp tác quốc tế tài trợ vốn cho các dự án xanh. Đổi mới khoa học, công nghệ theo hướng giảm phát thải, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển đổi số trong ngành ngân hàng, góp phần phát triển bền vững. Các doanh nghiệp cần chủ động, vận động, thay đổi mô hình sản xuất, kinh doanh để nắm bắt được cơ hội tiếp cận với nguồn vốn tín dụng xanh.

Trái phiếu xanh là xu hướng lớn của thị trường vốn

Cùng bàn về giải pháp tài chính thúc đẩy tăng trưởng xanh tại Việt Nam, ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc FiinRatings cho rằng, trái phiếu bền vững nói chung và trái phiếu xanh là xu hướng lớn của thị trường vốn trên thế giới. Chính phủ đã có cam kết phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 và Việt Nam cần tận dụng cơ hội này để huy động vốn cho phát triển kinh tế và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.

Đối với doanh nghiệp hiện nay, có rất nhiều ngành và lĩnh vực có tiềm năng “xanh” của Việt Nam cần đa dạng mà nguồn vốn tín dụng ngân hàng chưa phục vụ được, bao gồm: tiện ích (năng lượng tái tạo, nước sạch, rác thải…), vật liệu, công nghiệp,…

Vì vậy, theo ông Thuân, các doanh nghiệp cần tính đến phương án huy động vốn trái phiếu xanh quốc tế. Có rất nhiều chương trình với tiêu chí và chuẩn mực riêng như Climate Bonds Initiative (CBI), ICMA, ASEAN,…

Hiện nay, Tiêu chuẩn Trái phiếu Khí hậu của Climate Bonds Initiative (CBI) là chứng nhận duy nhất được sử dụng rộng rãi trên 30 quốc gia trên thế giới. Dấu Chứng nhận Trái phiếu Khí hậu “Certification Mark” được sử dụng để chỉ định trái phiếu xanh, các khoản cho vay xanh, và công cụ nợ xanh đã được chứng nhận. Trên toàn cầu, các trái phiếu được Chứng nhận đã đạt tới 210 tỷ USD tính đến ngày 31/12/2021.

Tổng giám đốc FiinRatings cũng chỉ ra rằng, việc các tổ chức phát hành trái phiếu khí hậu của CBI đem lại rất nhiều lợi ích, như tối ưu chi phí vốn, đa dạng hóa cơ sở đầu tư, dán nhãn trái phiếu xanh.

Đồng thời, giúp nâng cao danh tiếng cho doanh nghiệp, bởi chứng nhận cho phép tổ chức phát hành liên kết doanh nghiệp của mình với các các sáng kiến để thúc đẩy các hoạt động tài chính bền vững trong nền kinh tế carbon thấp - lĩnh vực thu hút được nhiều sự chú ý bởi cách tiếp cận sáng tạo hướng tới tính bền vững.

“Doanh nghiệp cần tìm kiếm chương trình phù hợp và xác nhận trái phiếu xanh. Chi phí là không lớn và hiện FiinRatings đang cùng ADB và GGGI để có thể hỗ trợ doanh nghiệp Go Green (phát triển xanh) trong chiến lược huy động vốn” Ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc FiinRatings

Ông Nguyễn Quang Thuân cho biết Chính phủ Việt Nam với đầu mối là Bộ Tài nguyên và Môi trường đang trong quá trình xây dựng và ban hành tiêu chí xanh cho Việt Nam và với các tiêu chí cụ thể và chính sách hỗ trợ. Do đó, doanh nghiệp cần theo dõi và đón chờ các chính sách mới được triển khai và tối đa hóa lợi ích từ các chương trình này.

Tin liên quan

Đọc tiếp