FLC đang muốn thoái vốn tại Bamboo Airways. |
Cụ thể, theo nghị quyết ngày 17/3, HĐQT FLC thông qua nội dung trên với các điều kiện sau: Ông Nguyễn Ngọc Trọng – Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways và ông Doãn Hữu Đoàn - Phó chủ tịch thường trực HĐQT Bamboo Airways thực hiện đúng các cam kết đã gửi tới HĐQT FLC.
Bamboo Airways có cam kết bằng văn bản về việc thực hiện các thủ tục giải chấp để hoàn trả lại cho FLC các tài sản mà tập đoàn sử dụng để đảm bảo cho nghĩa vụ tài chính của công ty trong thời hạn 30 ngày kể từ khi FLC có văn bản thông báo về nhu cầu sử dụng các tài sản này.
OCB Thăng Long đã nắm rõ các vấn đề liên quan đến việc sở hữu cổ phiếu FLC của ông Nguyễn Ngọc Trọng, ông Doãn Hữu Đoàn và việc Tập đoàn FLC dùng tài sản để bảo đảm cho nghĩa vụ tài chính của Bamboo Airways là phù hợp với quy định của pháp luật, quy định của ngân hàng.
FLC dùng 2 tài sản để đảm bảo cho nghĩa vụ tài chính của Bamboo Airways tại OCB Thăng Long. Một là gần 155 triệu cổ phiếu CTCP Hàng không Tre Việt thuộc sở hữu của Tập đoàn FLC 2.
Hai là quyền tài sản phát sinh từ Dự án sân golf FLC Quảng Bình Golf Links do Tập đoàn FLC là nhà đầu tư, đã thực hiện, triển khai đầu tư sau khi được UBND tỉnh Quảng Bình chấp thuận.
Him Lam đã cho Bamboo Airways vay 8.000 tỷ đồng
Bamboo Airways đã tìm được nhà đầu tư mới
Trước đó, tại ĐHĐCĐ bất thường của Tập đoàn FLC diễn ra ngày 4/3 vừa qua, ông Lê Bá Nguyên – Chủ tịch FLC cho biết doanh nghiệp này đang xem xét chuyển nhượng khoản đầu tư vào Bamboo Airways.
FLC cho biết số tiền tập đoàn đang đầu tư vào Bamboo Airways là 4.015 tỷ đồng, tương đương 21,7% vốn điều lệ 18.500 tỷ đồng của hãng hàng không này.
Theo quy định kế toán, khi Bamboo Airways hoạt động thua lỗ, FLC phải trích lập dự phòng đầu tư theo tỷ lệ sở hữu. Số FLC đã trích lập năm 2021 giữ nguyên khoảng 373 tỷ đồng. Số FLC dự kiến trích lập cho năm 2022 có thể tối đa lên tới 3.642 tỷ đồng. Như vậy tính theo số lượng vốn nắm giữ, năm 2022 Bamboo Airways có thể đã lỗ tới hơn 16.000 tỷ đồng.
Chia sẻ trên Báo điện tử Chính phủ mới đây, ông Nguyễn Mạnh Quân - Tổng giám đốc Bamboo Airways cho biết, hãng bay đã trải qua thời kỳ rất khó khăn trong việc thanh toán nợ cho các tổ chức tín dụng, do đại dịch kéo dài, những biến cố lớn liên quan đến nhân sự cấp cao. Trong hoàn cảnh ấy, hãng đã kêu gọi được sự hỗ trợ từ một số nhà đầu tư lớn chung tay giúp hãng vượt qua khủng hoảng. Điển hình như CTCP Him Lam đã cho Bamboo Airways vay 8.000 tỷ đồng.
Theo ông Quân, đến thời điểm hiện tại, Bamboo Airways đã tìm được nhà đầu tư mới để thay thế cho các cổ đông cũ (là cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết và các cổ đông liên quan). Nhà đầu tư mới, ngoài việc thanh toán giá mua cổ phần, cũng đã đồng ý kế thừa và chịu trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ thanh toán nợ gốc và lãi đối với các khoản vay trước đây do các cổ đông cũ đã dùng chính cổ phần Bamboo Airways để cầm cố, thế chấp cho các ngân hàng.
Đồng thời, nhà đầu tư mới cũng hỗ trợ cho ông Trịnh Văn Quyết một khoản tiền riêng được nộp vào tài khoản phong tỏa của cơ quan cảnh sát điều tra để khắc phục hậu quả (nếu có) theo vụ án.