FPT công bố chiến lược mới DC5, đặt mục tiêu 1 triệu nhân lực chuyển đổi số

FPT CHUYỂN ĐỔI SỐ
06:00 - 07/04/2023
FPT lên chiến lược phát triển mới cho giai đoạn 2023-2025.
FPT lên chiến lược phát triển mới cho giai đoạn 2023-2025.
0:00 / 0:00
0:00
Một triệu nhân lực này sẽ thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số trong nước cũng như trên phạm vi toàn cầu vào năm 2035.

Tại ĐHĐCĐ thường niên tổ chức chiều ngày 6/4, CTCP Tập đoàn FPT (mã FPT) đã thông qua chiến lược phát triển mới DC5-13 trong giai đoạn 2023-2025, bước đi mà hãng này cho là sẽ "mở ra cơ hội không giới hạn cho FPT".

FPT dẫn dự báo mới nhất của Gartner cho biết, nhu cầu chi tiêu cho công nghệ thông tin toàn cầu năm 2023 dự kiến sẽ tăng 5,1%, đạt 4.600 tỷ USD, cao hơn mức tăng trưởng 3% của 2022 nhờ sự gia tăng mạnh mẽ nhu cầu triển khai các sáng kiến số thúc đẩy kinh doanh, nhằm đối phó với tình trạng bất ổn kinh tế.

Nhu cầu chi tiêu cho chuyển đổi số cũng được IDC dự báo sẽ đạt 3.400 tỷ USD vào năm 2026 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) trong giai đoạn 5 năm là 16,3%.

Tại Việt Nam, theo báo cáo mới nhất của Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), mặc dù doanh nghiệp trong hầu hết các ngành đã sẵn sàng cho sự chuyển dịch lên môi trường số nhưng trong quá trình triển khai mới chỉ có một tỷ lệ nhỏ (2,2%) các doanh nghiệp đã làm chủ công nghệ, phần mềm quản lý để phân tích dữ liệu, đưa ra các quyết định trong sản xuất kinh doanh.

Trong bối cảnh đó, FPT đưa ra Chiến lược DC5 - Digital Conglomerate 5.0 hướng đến mục tiêu trở thành tổ chức kiến tạo hạnh phúc cho mỗi con người, thành công cho mỗi tổ chức và cao hơn nữa là hưng thịnh cho quốc gia. Chiến lược này của FPT hướng đến các mục tiêu lớn gồm:

Đẩy mạnh phát triển các sản phẩm, giải pháp chuyển đổi số kết hợp các sản phẩm tự xây dựng (Made by FPT) với giải pháp của đối tác giúp nâng cao hiệu suất công việc của các tổ chức và cá nhân.

Hình thành tổ hợp số với 5 thành phần cốt lõi: AI – các dịch vụ thông minh; Dữ liệu – hồ dữ liệu đa dạng và dịch vụ tích hợp, liên kết nhau của FPT và đối tác; Định danh – mỗi người dùng cuối là một cá nhân được định danh; Giao tiếp – đa kênh; Điểm chạm – cổng giao tiếp thông minh, tiện lợi giữa nhà cung cấp và người dùng.

Đạt một triệu nhân lực chuyển đổi số tham gia trong “tổ hợp số kiến tạo hạnh phúc”, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số trong nước cũng như trên phạm vi toàn cầu vào năm 2035.

Cổ đông FPT đặt câu hỏi cho ban lãnh đạo qua hình thức trực tuyến.

Cổ đông FPT đặt câu hỏi cho ban lãnh đạo qua hình thức trực tuyến.

Tại đại hội, cổ đông FPT cũng thông qua các nội dung khác như kế hoạch 2023, phương án sử dụng lợi nhuận 2022 và chính sách chi trả cổ tức năm 2023, ngân sách thu nhập và thù lao của HĐQT, phương án phát hành cổ phần cho người lao động...

Về kế hoạch kinh doanh, năm 2023, FPT đặt mục tiêu tăng trưởng 18,8% về doanh thu và 18,2% về lợi nhuận trước thuế, tương đương 52.289 tỷ đồng và 9.055 tỷ đồng.

Về kế hoạch đầu tư, FPT dự kiến dùng 1.800 tỷ đồng để đầu tư cho khối công nghệ, bao gồm việc đầu tư các khu tổ hợp văn phòng tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM... cũng như đầu tư vào hạ tầng công nghệ.

Với khối viễn thông, FPT sẽ dành ra 2.300 tỷ đồng để đầu tư các trục cáp chính, cáp biển, nâng cấp chất lượng hạ tầng viễn thông nội địa và hệ thống trung tâm dữ liệu.

Với khối giáo dục, tập đoàn dự định đầu tư 1.700 tỷ để mở rộng các khuôn viên tại Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng, song song đó là mở rộng thêm 7 điểm trường phổ thông mới tại các tỉnh thành.

Về phương án chia cổ tức, FPT trình cổ đông chia cổ tức tỷ lệ 20% tiền mặt (2.000 đồng/cp) và 15% bằng cổ phiếu (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận về 15 cổ phiếu mới).

Trong đó 10% bằng tiền đã được chi trả trong năm 2022. Cổ tức tiền mặt 10% còn lại sẽ được thanh toán trong quý II/2023, cùng thời gian với đợt trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 15% sau khi được ĐHĐCĐ phê duyệt.

Năm 2023, FPT dự kiến tiếp tục duy trì cổ tức tiền mặt tỷ lệ 20% tức mỗi cổ phiếu sẽ nhận về 2.000 đồng/cp. HĐQT sẽ căn cứ kết quả kinh doanh thực tế để quyết định tạm ứng các đợt cổ tức trong năm. Mức chia cổ tức bằng tiền cả năm 2023 sẽ được ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 quyết định.

Về phương án phát hành cổ phần cho người lao động (ESOP), FPT dự kiến phát hành cho những cán bộ xuất sắc với giá 10.000 đồng/cp. Tổng số lượng phát hành hằng năm không quá 0,5% tổng số cổ phần đang lưu hành tại thời điểm phát hành.

Thời điểm phát hành ESOP được chia làm ba đợt là trong năm 2024, 2025 và 2026, diễn ra ngay sau khi có báo cáo tài chính kiểm toán năm liền trước. Cổ phiếu sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 3 năm.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Trong trường hợp lý tưởng nhất, PTI sẽ tăng vốn điều lệ gấp 3 lần lên 3.216 tỷ đồng. Ảnh: Minh Phong - Mekong ASEAN

ĐHĐCĐ PTI: Tăng vốn lên gấp 3 lần

ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của CTCP Bảo hiểm Bưu điện (HNX: PTI) được tổ chức ngày 24/4. Tại đây, cổ đông công ty sẽ thảo luận về nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có 2 tờ trình tăng vốn điều lệ lên gấp 3 lần.