Cloud Computing (Điện toán đám mây)
Cloud Computing sẽ giúp các công ty sản xuất lưu trữ và quản lý dữ liệu một cách hiệu quả, tăng tính linh hoạt và giảm chi phí về cơ sở hạ tầng. Đồng thời, đây được xem là yếu tố then chốt để hỗ trợ cho sự phát triển của các công nghệ hiện đại khác như trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu (Data Analytics), Internet vạn vật (IoT), Metaverse...
Dự báo doanh thu tăng trưởng Cloud tại Việt Nam. |
Báo cáo nhận định, thị trường Cloud tại Việt Nam tăng trưởng nhanh nhưng chưa đủ mạnh. So với thế giới, Việt Nam được đánh giá có nhiều sáng kiến trong lĩnh vực Cloud và đang trên đà phát triển mạnh, tuy nhiên vẫn là quốc gia xếp thứ 53/76 trong bảng xếp hạng chỉ số hệ sinh thái Cloud (Cloud Ecosystem Index) năm 2022.
FPT Digital dự báo Edge Cloud Computing, điện toán đám mây thế hệ mới sẽ được áp dụng rộng rãi trong tương lai gần do có những lợi thế vượt trội như tiết kiệm băng thông, cải thiện tốc độ tải dữ liệu và nâng cao bảo mật dữ liệu.
Theo Statista, tốc độ ứng dụng Edge Cloud Computing phát triển rất nhanh với mức tăng trưởng kép hàng năm vào mức 12% và dự báo thị trường này sẽ chạm ngưỡng 65 tỷ USD vào năm 2025.
IoT (Internet of Things - Internet vạn vật)
IoT hay còn gọi cụ thể hơn là mạng lưới vạn vật kết nối Internet đề cập đến một sự kết nối giữa thiết bị vật lý và ảo có khả năng giao tiếp tự động với nhau bằng Giao thức Internet Protocol (IP).
Thị trường IoT tại Việt Nam. |
IoT là một thị trường đầy tiềm năng phát triển tại Việt Nam. Theo TechSci và Sisco, nếu như năm 2019 thị trường IoT tại Việt Nam chỉ hơn 2 tỷ USD thì con số này có thể đạt mức 7,3 tỷ USD vào năm 2025.
"Hơn một nửa công ty ở Việt Nam đánh giá: IoT là một trong 3 công nghệ hàng đầu sẽ tác động đến tương lai kỹ thuật số của mỗi doanh nghiệp, trong đó 36% công ty tham gia trả lời đã bắt đầu sử dụng các giải pháp IoT. Đây là tỷ lệ cao nhất khu vực Đông Nam Á, ngang với Singapore", báo cáo nêu rõ.
Thời gian tới, IoT được dự báo sẽ tăng trưởng rất mạnh và mạng 5G sẽ là một trong những yếu tố quan trọng nhất cho sự gia tăng này. 5G là thế hệ thứ năm của công nghệ truyền thông di động không dây, hoạt động ở các băng tần cao hơn so với các mạng trước đây, tốc độ nhanh và kết nối ổn định với nhiều thiết bị hơn, xử lý được nhiều dữ liệu hơn với độ trễ rất thấp, giúp hệ thống phản hồi theo thời gian thực.
Với những lợi ích này, 5G IoT sẽ ngày càng được ứng dụng sâu vào nhiều lĩnh vực như công nghiệp ô tô, năng lượng thông minh, y tế, bán lẻ và logistics.
Trí tuệ nhân tạo (AI)
Lĩnh vực AI bao gồm nhiều công nghệ như Machine learning (Học máy), Natural Language Processing (Xử lý ngôn ngữ tự nhiên), Speech Recognition (Nhận dạng giọng nói), Planning (Lập kế hoạch), Robotics (Tự động hóa).
Báo cáo DxReport chỉ ra các lĩnh vực có nhu cầu ứng dụng AI cao gồm bán lẻ và thương mại điện tử, ngân hàng, y tế, thực phẩm, xe hơi và logistic.
Quy mô thị trường AI toàn thế giới đến năm 2025. |
Theo ước tính của Precedence, thị trường AI thế giới được dự báo tăng trưởng mạnh trong thập kỷ tới, với quy mô 119,78 tỷ USD trong năm 2022 và đạt 313,86 tỷ USD trong năm 2025. Tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) trung bình cho thị trường này được dự báo đạt 38,1% trong giai đoạn 2022-2030. Trong đó, thị trường tại khu vực châu Á -Thái Bình Dương có tăng trưởng nhanh nhất với CAGR là 42%.
Cybersecurity (An ninh mạng)
Các doanh nghiệp đang triển khai vận hành và kinh doanh ngày càng nhiều trên môi trường số, đồng thời công nghệ thông tin phát triển với với tốc độ nhanh chóng nên rủi ro trên không gian mạng không ngừng gia tăng. Do đó, các doanh nghiệp cần được trang bị đầy đủ hệ thống về an ninh mạng giảm thiểu tối đa các nguy cơ ảnh hưởng đến việc hoạt động của doanh nghiệp.
An ninh mạng xếp thứ hai trong danh mục đầu tư lộ trình chuyển đổi lên Cloud. Năm 2022, thị trường an ninh mạng tại Việt Nam chứng kiến sự tăng trưởng mạnh với doanh thu 246,7 triệu USD, tăng 20,1% so với năm 2021. Dự báo trong năm 2023, thị trường này sẽ tiệm cận mức 300 triệu USD.
Dù vậy, quản lý rủi ro và an ninh mạng là khía cạnh thấp điểm nhất, chỉ đạt trung bình 2,4/5 điểm, theo khảo sát đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam do FPT Digital thực hiện.
Chính vì vậy, FPT Digital đã đưa ra 5 xu thế được dự báo sẽ phát triển trong thị trường an ninh mạng tại Việt Nam trong thời gian tới.
Một, trí tuệ nhân tạo (AI) đã mang lại những thay đổi to lớn trong an ninh mạng. AI đã rất quan trọng trong việc xây dựng các hệ thống bảo mật tự động, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, nhận diện khuôn mặt và phát hiện mối đe dọa an ninh mạng tự động.
Mặt khác, công nghệ này cũng được dùng để vượt qua các giao thức bảo mật mới nhất trong việc kiểm soát dữ liệu. Do đó, các hệ thống phát hiện mối đe dọa được kích hoạt bởi AI có thể dự đoán các cuộc tấn công mới và thông báo cho quản trị viên về bất kỳ vi phạm dữ liệu nào ngay lập tức.
Hai, 5G ra đời và phát triển đã đem lại một kỷ nguyên mới của kết nối liên tục theo thời gian thực. Tuy nhiên, sự kết nối giữa nhiều thiết bị có nguy cơ tạo ra các lỗ hổng mà bên ngoài có thể tấn công hoặc những lỗi phần mềm khó xác định được.
Kiến trúc 5G so với các kiến trúc khác trong ngành là mới và cần rất nhiều nghiên cứu để tìm ra các lỗ hổng, giúp cho hệ thống an toàn, không bị tấn công từ bên ngoài. Do vậy, nhà sản xuất cần rất chặt chẽ trong việc xây dựng phần cứng và phần mềm 5G hiện đại để kiểm soát việc xâm nhập dữ liệu.
Ba, bảo mật dữ liệu. Đây vẫn là mối quan tâm hàng đầu của các cá nhân, tổ chức trên toàn thế giới. Bởi chỉ cần xuất hiệm một lỗi nhỏ trong trình duyệt hệ thống hoặc phần mềm đều là một điểm yếu cho tin tặc lợi dụng để truy cập thông tin cá nhân.
Bốn, phương tiện hiện đại ngày nay như xe thông minh được trang bị phần mềm tự động, tạo ra kết nối liền mạch cho người lái trong kiểm soát hành trình, khóa cửa, túi khí và hệ thống hỗ trợ lái xe tiên tiến. Những chiếc xe này sử dụng công nghệ Bluetooth và WiFi để giao tiếp nên cũng có nguy cơ tạo ra nhiều lỗ hổng hoặc mối đe dọa từ tin tặc.
Tin tặc chiếm quyền kiểm soát xe hoặc sử dụng microphone để nghe lén được dự kiến sẽ tăng vào năm 2023 trên các phương tiện tự động. Do đó, xe tự lái hoặc xe tự động cần sử dụng một cơ chế phức tạp hơn nữa với các yêu cầu về biện pháp an ninh mạng chặt chẽ.
Năm, điện toán đám mây. Ngày càng nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh được chuyển dịch, phát triển trực tiếp trên Cloud nên các biện pháp bảo mật cần được giám sát và cập nhật liên tục để bảo vệ dữ liệu. Mặc dù các ứng dụng đám mây được trang bị tốt về bảo mật người dùng cuối, nhưng vẫn có nguy cơ là nguồn lớn cho các phần mềm độc hại và tấn công lừa đảo.
Big Data (Dữ liệu lớn) và Data Analytics (Phân tích dữ liệu)
Doanh thu toàn cầu của Big Data và Data Analytics dự báo đạt 41,5 tỷ USD trong năm 2023 và lên mức 345,5 tỷ USD vào năm 2038 với CAGR là 30,4%, theo số liệu từ Statista.
Tại Việt Nam, Big Data và Data Analytics xếp thứ nhất (52%) trong hạng mục công nghệ thông tin sẽ tăng ngân sách trong năm 2023 đồng thời chiếm tỷ trọng thứ 2 trong đầu tư công nghệ thông tin hàng năm.
Theo FPT Digital đây sẽ là công nghệ được phát triển trong tương lai gần khi Việt Nam ứng dụng rất nhiều trong các lĩnh vực như chính phủ số, bán lẻ và thương mại điện tử, sản xuất và nông nghiệp.
Blockchain (Công nghệ chuỗi khối)
Trên thế giới, doanh thu lĩnh vực blockchain năm 2025 sẽ đạt 25 tỷ USD với CAGR lên tới 69,4%.
Doanh thu blockchain trên thế giới là 6,6 tỷ USD trong năm 2021 và dự báo đạt 25 tỷ USD vào năm 2025. |
Việt Nam hiện đứng vị trí thứ nhất trên thế giới về chấp nhận tiền điện tử và đứng số 2 trong khu vực ASEAN về lượng người nắm giữ tiền điện tử. Trong những năm tới sẽ có rất nhiều lĩnh vực sẽ được ứng dụng công nghệ clockchain tại Việt Nam như logistics, giáo dục, y tế và ngân hàng.
Metaverse (Vũ trụ ảo)
Theo Gartner, doanh thu toàn cầu của ngành metaverse trong năm 2022 đạt 120 tỷ USD và dự báo sẽ đạt tới 5.000 tỷ USD vào năm 2030, với CAGR là 41,6% trong giai đoạn 2023-2030.
Doanh thu toàn cầu của metaverse được dự báo đạt 5.000 tỷ USD vào năm 2030. |
Tại Việt Nam, metaverse bắt đầu được ứng dụng trong các ngành như bán lẻ, du lịch, bất động sản và game. Thời gian tới sẽ có rất nhiều lĩnh vực được phát triển mạnh mẽ nhờ ứng dụng metaverse như truyền thông và giải trí, bán lẻ & e-Commerce, giáo dục và đào tạo, sản xuất và y tế.
Với những con số ấn tượng dự báo về tốc độ tăng trưởng của các công nghệ như Cloud Computing, IoT và AI, báo cáo của FPT Digital cho rằng, việc áp dụng các công nghệ mới vào sản xuất và kinh doanh đang là một xu hướng không thể phủ nhận.