Các Ngoại trưởng G7 họp nhóm tại thị trấn Kariuzawa, tỉnh Nagano, Nhật Bản. Ảnh: Reuters |
“Những tuyên bố hạt nhân của Nga và mối đe dọa triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus là không thể chấp nhận được. Bất kỳ việc sử dụng vũ khí hóa học, sinh học hoặc hạt nhân nào của Nga đều sẽ phải chịu hậu quả nghiêm trọng”, tuyên bố chung của các Ngoại trưởng G7 nhấn mạnh.
G7 bao gồm các thành viên Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Canada, Italy và Nhật Bản. Năm nay, tham gia họp cùng G7 còn có lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU). Các quốc gia này đều đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga vì chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow tại Ukraine.
Tuyên bố của G7 cũng cho biết họ “nhất trí tăng cường phối hợp để ngăn chặn và đáp trả việc trốn tránh các biện pháp trừng phạt cũng như cung cấp vũ khí của những bên thứ ba cho Nga”.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 25/3 thông báo rằng Moscow sẽ hoàn thành việc xây dựng cơ sở vũ khí hạt nhân chiến thuật đặc biệt của nước này tại Belarus vào ngày 1/7.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Sputnik |
Moscow cho biết động thái này xuất phát từ việc NATO mở rộng về phía biên giới của Nga, cũng như được thúc đẩy bởi việc Anh cung cấp cho Ukraine vũ khí uranium nghèo.
"Không có điều gì bất thường ở đây cả. Mỹ đã làm điều này trong nhiều thập niên. Họ từ lâu đã triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của mình trên lãnh thổ của các quốc gia đồng minh của họ. Chúng tôi đã đồng ý (với Belarus) rằng chúng tôi sẽ làm điều tương tự. Tôi muốn nhấn mạnh rằng điều này không vi phạm nghĩa vụ quốc tế của chúng tôi về việc không phổ biến vũ khí hạt nhân", ông Putin nhấn mạnh.
Bộ Ngoại giao Belarus ngay sau đó cũng giải thích rằng Minsk đã quyết định tiếp nhận vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga sau nhiều năm chịu áp lực từ Mỹ và các nước đồng minh phương Tây.
“Các biện pháp cưỡng chế đơn phương về chính trị và kinh tế, cùng với việc xây dựng tiềm năng quân sự đang ngày càng gia tăng trên lãnh thổ các nước láng giềng NATO ở gần biên giới của chúng tôi”, theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Belarus.
Tuy nhiên, NATO coi động thái này của Nga là “nguy hiểm và vô trách nhiệm”. Khối này khẳng định sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình, nhưng khẳng định “chưa thấy bất kỳ thay đổi nào về quan điểm hạt nhân của Nga”.
Trong khi đó, Mỹ đưa ra các tuyên bố thận trọng trước thông báo của Tổng thống Nga. Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby ngày 26/3 cho biết Washington sẽ “theo dõi và xem xét điều này sẽ dẫn đến động thái gì”.
Hồi tháng 10/2022, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã lưu ý đến các cuộc đàm phán "chia sẻ hạt nhân" giữa Washington và Warsaw, cảnh báo rằng vũ khí hạt nhân có thể được đặt ở Ba Lan, nước có chung biên giới với Belarus.
"Minsk cần thực hiện các biện pháp thích hợp để giải quyết mối đe dọa này", ông Lukashenko tuyên bố vào thời điểm đó, đồng thời cho biết ông sẽ thảo luận vấn đề này với Moscow.
Trong khi đó, Mỹ đã triển khai vũ khí hạt nhân ở Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 2021, Nga kêu gọi thu hồi vũ khí như một phần trong các đề xuất an ninh, nhưng Mỹ và NATO từ chối.