![]() |
Các lô dầu mỏ Nga vận chuyển bằng đường biển sẽ bị áp giá trần. |
Reuters dẫn nguồn thạo tin ngày 3/11 cho biết, sau nhiều tuần đàm phán căng thẳng, các lãnh đạo G7 và Australia đã nhất trí thông qua "kế hoạch chưa từng có" về áp giá trần với các lô dầu mỏ Nga vận chuyển bằng đường biển.
Theo đó, kế hoạch áp giá trần đối với dầu thô dự kiến có hiệu lực vào ngày 5/12, trong khi các sản phẩm dầu tinh chế bị áp giá trần từ ngày 5/2/2023.
![]() |
Ngoại trưởng các nước G7 tại cuộc họp ở Muenster, Đức. Ảnh: Reuters |
“Liên minh đã thống nhất về một mức giá cố định đối với đầu mỏ Nga. Mức giá này có thể sẽ được xem xét thường xuyên. Điều này sẽ làm tăng tính ổn định của thị trường và đơn giản hóa việc tuân thủ quy định để giảm thiểu gánh nặng cho các bên tham gia thị trường", nguồn tin cho biết.
Nguồn tin cũng tiết lộ thêm, giá ban đầu vẫn chưa được đặt ra, nhưng sẽ có trong vài tuần tới. Trong đó, các đối tác của G7 đã đồng ý thường xuyên điều chỉnh mức giá cố định, nhưng không tiết lộ thêm chi tiết.
Theo Reuters, G7 lo ngại rằng việc thả nổi giá dầu mỏ theo giá dầu Brent có thể khiến Nga đối phó bằng cách giảm nguồn cung. Điều đó sẽ khiến giá dầu Brent tăng đột biến và giá dầu Nga tăng theo. Nhược điểm của kế hoạch áp giá cố định với dầu mỏ Nga là sẽ đòi hỏi nhiều cuộc họp của các bên để đánh giá và điều chỉnh lại mức giá thường xuyên.
Hiện các nước G7, Australia và Nga đều chưa bình luận về thông tin trên.
Kế hoạch áp mức giá trần đối với dầu mỏ vận chuyển qua đường biển của Nga được coi là một trong những biện pháp trừng phạt mà phương Tây nhằm vào Nga vì liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine.
Tuy nhiên, Nga nhiều lần cảnh báo nước này sẽ không bán dầu hoặc các mặt hàng khác dưới mức giới hạn giá hoặc dưới các điều kiện thị trường không có lợi. Moscow cho biết cũng sẽ không cung cấp năng lượng cho các quốc gia áp dụng chính sách thương mại trái ngược với các điều khoản trong hợp đồng dầu khí tự nhiên của Nga, cũng như từ chối vận chuyển dầu đến các quốc gia áp đặt giới hạn giá dầu.