Chuyên trang công nghệ The Information dẫn báo cáo mới nhất của hãng nghiên cứu Counterpoint cho thấy, ở thời kỳ đỉnh cao năm 2017, thị trường smartphone toàn cầu chứng kiến hơn 700 thương hiệu cạnh tranh, đạt tổng doanh số bán hàng lên tới hơn 1,5 tỷ chiếc.
Tuy nhiên, cho đến năm 2023, số lượng thương hiệu trong ngành đang hoạt động (có ghi nhận doanh số bán hàng) đã giảm 1/3, xuống còn khoảng 250 thương hiệu.
Số lượng thương hiệu smartphone hoạt động trên toàn cầu trong những năm qua. Ảnh: Theo Counterpoint Research. |
Lý giải nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm mạnh trên, Counterpoint Research cho biết, đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng khiến thiếu hụt lượng lớn linh kiện từ năm 2020. Cùng với đó là xung đột địa chính trị, kinh tế toàn cầu có dấu hiệu suy thoái khi lãi suất, lạm phát ngày càng leo thang, đã gây áp lực nặng nề đến nhiều doanh nghiệp, công ty.
Theo báo cáo, phần lớn các thương hiệu smartphone rút lui khỏi thị trường thời gian qua là những thương hiệu chỉ hoạt động tại thị trường nội địa của họ, trong khi các thương hiệu mang quy mô toàn cầu vẫn hoạt động ổn định.
Các chuyên gia cho rằng, việc duy trì khả năng sinh lời trong môi trường đầy tính cạnh tranh ở hiện tại là điều không đơn giản. Một số thương hiệu từng có chỗ đứng vững chắc tại thị trường địa phương như Micromax, Intex và Karbonn của Ấn Độ; InnJoo và Xtouch ở Trung Đông và châu Phi; Meizu, Meitu, Gionee và Coolpad ở Trung Quốc… đã rút lui khỏi thị trường trong 5 năm qua.
Thời gian qua, doanh số bán hàng của các thương hiệu địa phương đã giảm mạnh. 9 tháng đầu năm 2023, tổng doanh số của các thương hiệu smartphone này chỉ hoạt động tại thị trường địa phương của họ chỉ đạt khoảng 100.000 chiếc, cho thấy sự sụt giảm về quy mô và sức hút.
Nhóm thương hiệu smartphone nội địa chỉ tập trung vào tệp khách hàng tìm kiếm các sản phẩm giá rẻ tại những khu vực có thị trường phân tán như châu Á – Thái Bình Dương, châu Mỹ Latinh, Trung Đông và châu Phi.
Giới chuyên gia nhận định, trong bối cảnh ngành công nghiệp điện thoại ngày càng phát triển nhanh chóng, các thương hiệu nhỏ đã phải "vật lộn" để theo kịp các thương hiệu lớn trên nhiều khía cạnh. Trong khi các thương hiệu lớn tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), đào tạo và nâng cao năng lực nhân công thì các thương hiệu nhỏ chủ yếu phụ thuộc vào ODM (nhà sản xuất thiết kế gốc) để phân phối.
Bên cạnh đó, các sự kiện tiếp thị và quảng cáo lớn, cũng như việc hợp tác với các đại sứ thương hiệu tên tuổi là điều thường các thương hiệu lớn thường làm. Tuy nhiên, hầu hết thương hiệu nhỏ đều thiếu nguồn lực cho hoạt động tiếp thị cũng như hoạt động R&D để tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm của mình.
Huawei ra mắt mẫu điện thoại Mate 60 Pro được trang bị các tính năng hàng đầu, đáng chú ý là khả năng kết nối vệ tinh, chỉ với 960 USD cho phiên bản 512GB. |
Hơn nữa, sự trỗi dậy của các thương hiệu smartphone của Trung Quốc như Huawei, Xiaomi, Oppo và Vivo là một trở ngại lớn cho các thương hiệu nhỏ khi họ giới thiệu những chiếc điện thoại thông minh tốt hơn đáng kể với mức giá hấp dẫn, mang lại cho khách hàng những giá trị tốt hơn so với số tiền họ bỏ ra.
Do đó, các chuyên gia khuyến nghị các thương hiệu nhỏ cần đầu tư vào R&D để tạo sự khác biệt, xây dựng một chiến lược tiếp thị bền vững và xác định phân khúc khách hàng riêng. Minh chứng như các hãng điện thoại Sonim, DORO và Fairphone vẫn có thể tồn tại bằng cách tập trung vào phát triển sản phẩm với mức giá cao.
Một số tệp khách hàng và định hướng riêng mà các thương hiệu smartphone nhỏ thường nhắm tới có thể bao gồm thiết bị dành riêng cho người già và trẻ em, các thiết bị smartphone đề cao sự chắc chắn, thiết bị tập trung vào tối giản kỹ thuật số...