Phát biểu tại sự kiện do Bộ Công Thương tổ chức, bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, giao kết hợp đồng trên môi trường điện tử là một trong những vấn đề mấu chốt của quy định pháp luật về giao dịch điện tử.
Hiện đã có 11 tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử (CeCA) đã được xác nhận đăng ký. Các tổ chức CeCA cung cấp hạ tầng số được bảo vệ bởi các công nghệ xác thực và tin cậy, hướng tới kết nối kỹ thuật và hỗ trợ bên thứ ba như cơ quan thuế, ngân hàng, tổ chức tài chính và cơ quan giải quyết tranh chấp, nhằm thực hiện nghiệp vụ liên quan.
Tổ chức này đóng vai trò bảo vệ giá trị pháp lý cho hợp đồng điện tử. Tính đến hết tháng 8/2024, gần 490.000 hợp đồng điện tử đã được chứng thực, với sự tham gia của 49.000 doanh nghiệp.
Theo Cục trưởng Lê Hoàng Oanh, việc ứng dụng hợp đồng điện tử toàn diện, sẽ giúp đất nước tiết kiệm 50.000-70.000 tỷ đồng/năm bao gồm chi phí in ấn giấy tờ, chi phí chuyển phát và bảo quản hồ sơ, chứng từ giấy theo thời gian quy định.
| |
“Quan trọng hơn, hợp đồng điện tử giúp các doanh nghiệp vận hành quy trình kinh doanh nhanh chóng hơn, rút ngắn thời gian giao kết giữa các doanh nghiệp, tiết kiệm thời gian, chi phí trong việc chứng minh lịch sử giao dịch, uy tín khi giao dịch với cơ quan quản lý hoặc các tổ chức ngân hàng, tài chính". | |
Bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số |
Cùng với đó, hợp đồng điện tử khi được ứng dụng hiệu quả sẽ tạo ra sự bùng nổ về giao dịch đa kênh, giúp người bán hàng, nhà cung cấp, nhà sản xuất, người tiêu dùng gắn kết với nhau nhanh chóng trong một mạng lưới dữ liệu hiệu quả, minh bạch hóa thị trường.
Về phía người tiêu dùng, cá nhân cũng được hưởng lợi từ việc ứng dụng hợp đồng điện tử như đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, cũng như sự công bằng khi phát sinh khiếu nại, tranh chấp
Đồng tình với quan điểm trên, ông Đỗ Kế Công, Giám đốc Trung tâm chữ ký số và hợp đồng điện tử VNPT nêu thực tế, hoạt động giao dịch xuyên biên giới, xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam đã ký kết với các đối tác nước ngoài bằng các phương thức hợp đồng điện tử từ lâu nay, đặc biệt với các đối tác tại các nước phát triển.
Kể từ khi đại dịch Covid-19, Việt Nam đã trải qua nhiều đợt dịch bùng phát và diễn biến phức tạp trên diện rộng, dẫn đến thói quen và hành vi của doanh nghiệp, người dân tại Việt Nam cũng thay đổi nhanh chóng.
Theo đại diện VNPT, một trong những việc thay đổi đó là doanh nghiệp đang dần chuyển từ sử dụng hợp đồng, chứng từ bằng giấy thông thường sang sử dụng hợp đồng, chứng từ điện tử. Khảo sát của Bộ Công Thương trong Sách trắng thương mại điện tử 2023 cho thấy, có 41% doanh nghiệp được khảo sát đã ứng dụng hợp đồng điện tử trong hoạt động thương mại.
Tuy nhiên, ông Đỗ Kế Công cho rằng, doanh nghiệp cũng gặp phải một số rào cản khi áp dụng hợp đồng điện tử gồm pháp lý, công nghệ và chi phí. Về rào cản pháp lý, vẫn còn thiếu các hướng dẫn, quy định về giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử trong từng lĩnh vực cụ thể. Thiếu sự chấp nhận, công nhận giá trị của hợp đồng điện tử của bên thứ ba như cơ quan thuế, hải quan, ngân hàng…
Việc đảm bảo khả năng tương tác của các hệ thống hợp đồng điện tử giữa nhiều đối tác kinh doanh khác nhau và môi trường công nghệ của họ có thể là một thách thức.
Hơn nữa, người dùng phải có kỹ năng và thiết bị công nghệ để thực hiện giao kết bằng hợp đồng điện tử. Việc triển khai cơ sở hạ tầng công nghệ, tích hợp và biện pháp bảo mật cần thiết cho các hợp đồng điện tử xuyên biên giới có thể tốn nhiều chi phí, nguồn lực.
Để phát triển hợp đồng điện tử an toàn tại Việt Nam, các diễn giả tại diễn đàn đều cho rằng, sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và tổ chức liên quan là điều không thể thiếu. Sự hợp tác này không chỉ giúp khai thác tối đa tiềm năng của công nghệ mà còn đảm bảo tính minh bạch và an toàn cho các giao dịch điện tử. Từ đó thúc đẩy niềm tin của người tiêu dùng vào nền kinh tế số.