Lễ trao giấy xác nhận đăng ký cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử. Ảnh: Hà Anh. |
5 đơn vị đủ điều kiện cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử tại Việt Nam bao gồm CTCP Giải pháp thanh toán Việt Nam VNPay, CTCP MISA, Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam, CTCP Savis và CTCP EFY Việt Nam.
Về cách thức hoạt động, mỗi giao dịch hợp đồng điện tử sẽ được truyền qua các tổ chức chứng thực hợp đồng điện tử (CeCA) đến Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam, gắn kèm với các quy chế về giải quyết tranh chấp, khiếu nại, xử lý các yếu tố phát sinh trong quá trình giao kết và thực thi hợp đồng.
Điều này giúp cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, các bên thứ ba có một cơ quan trung gian đủ tin cậy để giải quyết các vấn đề phát sinh khi thực hiện giao kết, hợp đồng dưới dạng điện tử.
Trước đó, tháng 8/2022, tập đoàn FPT, Viettel, BKAV, Mobiphone và CMC cũng đã được Bộ Công Thương cấp phép cung cấp dịch vụ chứng thực và bảo mật hợp đồng điện tử.
Phát biểu tại sự kiện, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Lê Hoàng Oanh cho biết, tính đến nay đã có 10 tổ chức chứng thực hợp đồng điện tử được Bộ Công Thương xác nhận đủ điều kiện cung cấp dịch vụ. Thị trường có thêm lựa chọn về giải pháp chứng thực hợp đồng điện tử an toàn, bảo mật, đặc biệt là giúp kết nối các nền tảng công nghệ, các hạ tầng số tin cậy của Chính phủ đến các doanh nghiệp, tổ chức, người dùng thực hiện các giao kết điện tử.
"Như vậy, các doanh nghiệp có thể an tâm chuyển đổi từ ký kết truyền thống sang ký kết điện tử để có được những giá trị hiệu quả và tối ưu chi phí. Điều này đã góp phần xây dựng lòng tin và tăng cường an ninh thông tin trong giao dịch trực tuyến"
Bà Lê Hoàng Oanh đề nghị các CeCA tuân thủ các quy định pháp luật về chứng thực hợp đồng điện tử, đảm bảo hoạt động đúng nội dung Đề án cung cấp dịch vụ được phê duyệt; tuân thủ các quy định về an toàn thông tin trong hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử; thực hiện cơ chế giải quyết khiếu nại, tranh chấp giữa các bên liên quan đến hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử.
Đồng thời, cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các phương án công nghệ mở rộng phạm vi ứng dụng hợp đồng điện tử có chứng thực tới các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, phát triển thị trường an toàn, bền vững, góp phần thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Ngoài ra, CeCA phối hợp Phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Trung tâm Tin học và Công nghệ số ứng dụng cơ sở dữ liệu minh bạch, hiệu quả; hoàn thiện kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia theo Chỉ thị số 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Về phía doanh nghiệp, bà Đinh Thị Thuý, Tổng giám đốc MISA cho rằng, việc trở thành tổ chức chứng thực hợp đồng điện tử (CeCA) là cơ sở vững chắc trong việc cung cấp nền tảng ký tài liệu số tích hợp chữ ký số từ xa giúp các doanh nghiệp Việt Nam ký kết hợp đồng, giao dịch điện tử đảm bảo tính pháp lý, an toàn, bảo mật cũng như tiết kiệm chi phí, thời gian để nắm bắt kịp thời những cơ hội kinh doanh.