Số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) công bố ngày 29/5 cho thấy, trong 5 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 36,96 tỷ USD.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 20,26 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu đạt 13,15 tỷ USD, giảm 8,7%. Giá trị xuất siêu 3,55 tỷ USD, giảm 21,1%.
Xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm đạt 2,02 tỷ USD, tăng 49,1%. Ảnh: VGP. |
Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, nhiều mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm trước, như: Cà phê 2,02 tỷ USD, tăng 0,2%; rau quả 1,97 tỷ USD, tăng 39,0%; hạt điều 1,28 triệu USD, tăng 5,5%; thịt, phụ phẩm 58 triệu USD, tăng 59,1%.
Cao nhất là mặt hàng gạo đạt 2,02 tỷ USD, tăng 49,0%, đà tăng này được tiếp nối duy trì từ các tháng đầu năm đến nay.
Bên cạnh đó, bức tranh xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp 5 tháng đầu năm cũng ghi nhận nhiều mặt hàng có giá trị xuất khẩu giảm.
Cụ thể, cao su đạt 799 triệu USD, giảm 24,0%; chè đạt 65 triệu USD, giảm 18,9%; hồ tiêu đạt 414 triệu USD, giảm 9,9%; sắn và sản phẩm sắn đạt 539 triệu USD, giảm 14,3%; cá tra 690 triệu USD, giảm 40,7%; tôm 1,22 tỷ USD, giảm 34,4%, gỗ và sản phẩm gỗ 5,1 tỷ USD, giảm 27,3%; mây, tre, cói thảm 298 triệu USD, giảm 28,4%.
Tính riêng kim ngạch xuất khẩu trong tháng 5 ước đạt 4,85 tỷ USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, nhóm nông sản xuất khẩu đạt tăng 27,8%; chăn nuôi tăng 25,5%; thủy sản giảm 14,4%; lâm sản giảm 12,3%; nguyên liệu đầu vào sản xuất giảm 16,1%; muối giảm 8,6%.
Cùng với đó, giá xuất khẩu bình quân một số nông sản xuất khẩu chính giảm, cụ thể: Hồ tiêu 3.011 USD/tấn, giảm 34,9%; phân bón các loại 415 USD/tấn, giảm 35,2%; cao su 1.378 USD/tấn, giảm 21,5%; sắn và sản phẩm từ sắn 382 USD/tấn, giảm 12,0%. Riêng giá gạo đạt 517 USD/tấn, tăng 5,8%, cà phê đạt 2.295 USD/tấn, tăng 2,4%.
Về thị trường xuất khẩu, trong 5 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản tới các thị trường thuộc khu vực châu Á đạt 9,73 tỷ USD, tăng 2,3%; châu Mỹ đạt 4,42 tỷ USD, giảm 34,6%; châu Âu đạt 2,42 tỷ USD, giảm 13,2%; châu Phi đạt 327 triệu USD, giảm 5,6%; châu Đại Dương đạt 280 triệu USD, giảm 28%.
Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là 3 thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất. Cụ thể, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 20,4%, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước; Hoa Kỳ chiếm 19,8%, giảm 35,2% và Nhật Bản chiếm 7,8%, giảm 1,2%.
Các thị trường xuất khẩu đang dần tăng trở lại
Đánh giá các thị trường xuất khẩu, Bộ NN&PTNT nhận định, các thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn của Việt Nam đang dần tăng trưởng trở lại như: Trung Quốc mở cửa trở lại. Thị trường xuất khẩu Nhật Bản và khu vực châu Á cũng có đà tăng trở lại.
Tuy nhiên, kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, lạm phát cao tại một số quốc gia phát triển, các chính sách thắt chặt tiền tệ, nhất là ở các thị trường lớn như Hoa Kỳ và Châu Âu khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong ký kết và thực hiện các đơn hàng. Xung đột Nga - Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp.
Cùng với đó, nhiều quốc gia thực thi chính sách tăng cường bảo hộ sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước; đẩy mạnh sản xuất nông sản để chủ động nguồn cung.
Theo Bộ NN&PTNT, các mặt hàng quả có nguồn cung dồi dào, tương đối ổn định, nhiều loại sắp vào vụ thu hoạch (xoài, sầu riêng, mít, chanh, vải).
Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT cũng lưu ý, chăn nuôi gia súc gia cầm vẫn nhiều khó khăn. Thời tiết diễn biến bất thường, El Nino nắng nóng gay gắt hơn, nguy cơ thiếu nước phục vụ sản xuất nông lâm thủy sản và cháy rừng rất cao ở nhiều địa phương. Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản.