Hội thảo Thúc đẩy chuyển đổi sử dụng phương tiện giao thông điện. Ảnh: Hà Anh - Mekong ASEAN |
Hạ tầng trạm sạc chưa đáp ứng với nhu cầu
Phát biểu tại Hội thảo Thúc đẩy chuyển đổi sử dụng phương tiện giao thông điện, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, nhu cầu xe điện đang tăng mạnh tại khu vực Đông Nam Á. Doanh số bán xe điện chạy pin (BEV) quý 2/2023 trong khu vực đã tăng gấp 8 lần nhờ nhu cầu mạnh mẽ tại Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và Malaysia.
Theo số liệu thống kê năm 2022, doanh số xe điện (EV) tại Đông Nam Á chiếm khoảng 2% tổng doanh số bán ô tô. Trong đó, Thái Lan đứng đầu khi ô tô điện chiếm tới 58% doanh số bán ô tô, tiếp theo là Indonesia và Việt Nam, tỷ lệ lần lượt là 19,5% và 15,8%.
Theo Thứ trưởng Tuấn, những năm gần đây, doanh số bán xe điện tại Việt Nam đã có những bước tiến mới khi hàng loạt mẫu xe điện được bán rộng rãi trên thị trường. Nếu như trong năm 2021, chỉ có 167 xe ô tô điện sản xuất lắp ráp và nhập khẩu được kiểm tra, cấp giấy chứng nhận thì đến nay đã có khoảng 22.000 ô tô thuần điện, hơn 11.000 xe hybrid (kết hợp sử dụng xăng điện). Cả nước hiện cũng đã có hơn 2 triệu mô tô - xe gắn máy điện và hơn 700.000 xe đạp điện.
Tuy nhiên, một trong những khó khăn cản trở làn sóng này là sự thiếu vắng cơ sở hạ tầng trạm sạc. Nhiều doanh nghiệp, người dùng bày tỏ mối quan tâm đối với các thiết bị và dịch vụ cho phương tiện điện, đặc biệt là trạm sạc cho xe ô tô điện.
Hiện tại, có khoảng 50.000 trạm sạc xe điện trải dài rộng khắp 63 tỉnh thành tại Việt Nam. Mặc dù số lượng trạm sạc ghi nhận gia tăng đáng kể theo từng năm nhưng cần tiếp tục bổ sung các giải pháp để nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng hiện có của Việt Nam.
Nhận định về vấn đề này, TS. Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh cho biết, hệ thống cơ sở vật chất hiện nay chưa thể đáp ứng nhu cầu của xe điện. Nếu phát triển phương tiện giao thông điện quá nhanh trong khi khả năng cung ứng và hạ tầng điện chưa đáp ứng được, sẽ là rào cản rất lớn về mặt kỹ thuật.
Với người dân, để tạo điều kiện thuận lợi sử dụng xe điện thì phải xây dựng đầy đủ hệ sinh thái, cơ sở hạ tầng thuận tiện. Trong khi thực tế, mạng lưới trạm sạc cho các tuyến đi từ thành phố này sang thành phố khác, tỉnh này sang tỉnh khác vẫn còn hạn chế, ông Sơn nói.
Cùng với đó, việc độc quyền trạm sạc sẽ gây khó khăn trong quá trình phát triển giao thông điện, vì vậy cần có quy định pháp lý phù hợp để giải quyết vấn đề này. Ngoài xe điện còn có các phương tiện dùng năng lượng xanh và cần định nghĩa rõ thế nào là năng lượng xanh. Đồng thời, cần có thêm cơ chế, chính sách thúc đẩy việc chuyển đổi sang xe dùng năng lượng xanh.
Tại sự kiện, ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP HCM dẫn kết quả khảo sát hơn 10.000 người dân tại TP HCM về việc có muốn đổi sang dùng xe điện trong tương lai hay không.
Khoảng 86,83% người tham gia khảo sát trả lời là "Chưa có nhu cầu". Bốn lý do chính được đưa ra là hạ tầng trạm sạc chưa phủ rộng; giá bán xe điện vẫn còn đắt; công nghệ pin chưa ổn định và không quan tâm vì đã quen dùng xe cũ.
5 trọng tâm để mở rộng quy mô trạm sạc điện
Từ quá trình nghiên cứu, khảo sát, ông Wilmar Martinez, chuyên gia Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) thống kê, Hàn Quốc hiện có khoảng 200.000 cổng sạc; Đức đã có 90.000 trạm sạc; Thái Lan có 1.600 trạm sạc với hơn 4.500 cổng sạc.
Về mô hình kinh doanh, tại Đức, công ty tư nhân vận hành theo mô hình riêng còn công ty Nhà nước tuân thủ theo giá điện. Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ lớn nhất cho trạm sạc, còn tại Thái Lan áp dụng mô hình như Tesla đó là cung cấp sạc miễn phí khi mở cửa thị trường.
Theo ông Martinez, những điểm mấu chốt của các nước nói trên gồm triển khai cơ sở hạ tầng sạc, xây dựng tiêu chuẩn hóa, bố trí địa điểm sạc, nguồn và tốc độ sạc, quy định về sạc công cộng và sạc ở nhà riêng tư, chính sách tài chính và thuế để khuyến khích hạ tầng này.
Đúc kết kinh nghiệm cho Việt Nam, chuyên gia Wilmar Martinez nêu 5 điểm trọng tâm để mở rộng quy mô trạm sạc điện.
Một là, Việt Nam cần sớm chọn cho mình một tiêu chuẩn sạc.
"Tiêu chuẩn các loại phích cắm vào cổng kết nối sạc có sự khác nhau giữa các khu vực và phụ thuộc thiết kế của từng mẫu xe. Chẳng hạn, tiêu chuẩn sạc nhanh của Mỹ là CCS1/Tesla, chuẩn sạc của châu Âu là CCS2, CHAdeMO của Nhật Bản và GB/T của Trung Quốc. Do vậy, việc phát triển hệ thống trạm sạc có thể đáp ứng nhu cầu cho tất cả các loại xe điện có chuẩn sạc khác nhau cũng là một thách thức", ông Wilmar Martinez nói.
Hai là, Chính phủ cần ban hành những chính sách ưu đãi, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, công ty sản xuất xe điện, đơn vị cung ứng trạm sạc và cả người tiêu dùng.
Ba là, ưu tiên hạ tầng sạc trên những tuyến đường có mật độ giao thông cao.
Bốn là, không nên hạn chế phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch bằng cách tăng thuế diesel và xăng. Thay vào đó là các chính sách có tính hỗ trợ, khuyến khích sử dụng xe điện như một biện pháp thị trường nhằm điều tiết cung và cầu cho phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Năm là, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng lưới điện để đáp ứng yêu cầu xây dựng nhiều trạm sạc.
Để đạt được mục tiêu đến năm 2045, phát triển xe điện chiếm lĩnh thị trường, ông Đào Công Quyết, Trưởng Tiểu ban truyền thông Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) kiến nghị, cần có sự chung tay, phối hợp của Nhà nước và doanh nghiệp.
Trong đó, Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng chính sách và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Sau khi triển khai cần có những đánh giá về tác động, ảnh hưởng để rút kinh nghiệm và điều chỉnh.
Về phía doanh nghiệp, đại diện VAMA cho rằng, việc nghiên cứu, đầu tư của các nhà sản xuất ô tô cần được thực hiện một cách cân bằng, phát triển hài hòa để tránh gây ra xáo trộn thị trường. Nếu thực hiện không cân bằng, phù hợp, có thể ảnh hưởng tới quyết định đầu tư mở rộng hoạt động kinh doanh.