Gấp rút hoàn thành mục tiêu 428.000 căn nhà ở xã hội đến năm 2025

Nhà ở Việt nAM
15:30 - 19/05/2023
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị chủ trì Hội nghị triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” sáng 19/5. Ảnh: Thu Thảo.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị chủ trì Hội nghị triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” sáng 19/5. Ảnh: Thu Thảo.
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 19/5, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định, việc giải quyết nhà ở cho người dân luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội cũng đã bộc lộ một số hạn chế. Do đó, Bộ Xây dựng đã trình và Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 338 ngày 3/4/2023 phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”.

Mục tiêu của Đề án phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; Giai đoạn 2025 - 2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn. Đồng thời, giao chỉ tiêu hoàn thành nhà ở xã hội cụ thể cho các địa phương trong từng giai đoạn (2022 – 2025 và 2025 – 2030).

Đề án cũng đã đề ra các giải pháp đồng bộ để các Bộ, ngành Trung ương, địa phương, doanh nghiệp triển khai.

Thông tin tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, sau khi Đề án được Thủ tướng phê duyệt, Bộ Xây dựng đã tập trung triển khai các nhiệm vụ được giao.

Bộ đã hoàn thiện dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 tới. Trong đó, Bộ Xây dựng đã đề xuất Chính phủ trình Quốc hội cho phép các chính sách về nhà ở xã hội (quy định tại chương VI dự thảo Luật) có hiệu lực sớm sau khi Luật Nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực thi hành (dự kiến từ 1/1/2024).

Các nhóm chính sách này gồm đối tượng, điều kiện thụ hưởng; việc quy hoạch, dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; việc lựa chọn chủ đầu tư dự án; trình tự thủ tục thực hiện dự án; các cơ chế chính sách ưu đãi của Nhà nước… Đồng thời, có chính sách riêng về nhà lưu trú công nhân, nhà ở dành cho lực lượng vũ trang để có cơ chế khuyến khích, ưu đãi phát triển.

Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 03/2023/TT-BXD sửa đổi Thông tư 09/2021/TT-BXD, cho phép các dự án chưa có quy hoạch chi tiết thì được sử dụng quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chung tại những khu vực không yêu cầu lập quy hoạch phân khu để đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư dự án.

Bộ cũng đã chủ động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Chính sách xã hội và bộ, ngành liên quan đôn đốc, hướng dẫn địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 31 của Chính phủ, trong đó có 2 gói hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội.

Về gói hỗ trợ cho khách hàng cá nhân vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội với tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 15.000 tỷ đồng. Đến nay đã giải ngân 4.381/15.000 tỷ đồng cho khoảng 12.200 khách hàng.

Về chính sách hỗ trợ lãi suất 2% cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư thông qua các ngân hàng thương mại theo quy định của Nghị định số 31/2022/NĐ-CP.

Đối với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đã có Văn bản số 1551 ngày 20/4/2023 hướng dẫn về xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện vay ưu đãi của gói tín dụng này. Theo đó, để giảm bớt thủ tục, đầu mối, khẩn trương triển khai Đề án, Bộ Xây dựng đã ủy quyền cho UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm xem xét, kiểm tra các thủ tục pháp lý, lập danh mục dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân (nhà ở xã hội tại khu công nghiệp), cải tạo, xây dựng lại chung cư để công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh, để các ngân hàng có cơ sở áp dụng cho vay.

Theo báo cáo của các địa phương, tính đến ngày 18/5/2023, trong giai đoạn 2021 - 2025, cả nước đã hoàn thành hoàn thành 41 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 19.516 căn; Đang tiếp tục triển khai 294 dự án với quy mô xây dựng khoảng 288.499 căn.

Mục tiêu của Đề án đặt ra là phấn đấu đến năm 2030, các địa phương trên cả nước hoàn thành 1.062.200 căn nhà ở xã hội. Trong đó, mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025 - 2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn.

Phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội. Nguồn: VGP.

Phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội. Nguồn: VGP.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, để gấp rút hoàn thành mục tiêu ngắn hạn đến 2025, bên cạnh việc hoàn thành đầu tư xây dựng 288.499 căn hộ đang triển khai, thì phải mở mới và hoàn thành đầu tư xây dựng khoảng 120.000 căn nữa.

Để đạt được mục tiêu này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng các địa phương cần đôn đốc chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của các dự án này theo tiến độ được phê duyệt. Trường hợp chủ đầu tư không thực hiện thì thu hồi quỹ đất 20% để lựa chọn, giao cho các chủ đầu tư khác.

Rà soát các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước lập danh mục dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Còn đối với các doanh nghiệp, tập đoàn kinh doanh bất động sản lớn ngoài việc phát triển các dự án khu đô thị, nhà ở thì cần quan tâm hơn nữa đến việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội dành cho các đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp tại các địa phương nhằm đảm bảo công tác an sinh, xã hội và đạt mục tiêu đề ra của Đề án. Thực hiện nghiêm túc trách nhiệm đầu tư nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị do doanh nghiệp làm chủ đầu tư.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cũng nhấn mạnh, thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc sửa đổi một số luật như Đất đai, Đấu thầu; Tập trung sửa đổi chính sách, trình tự thủ tục dự án chính sách ưu đãi Nhà nước, chính sách cho lực lượng vũ trang; Tiếp tục tháo gỡ vướng mắc nhà ở cho công nhân; Báo cáo Thủ tướng Chính phủ phủ trình duyệt xem xét thực hiện chính sách nhà ở xã hội.

Cùng với đó, chỉ đạo, phối hợp hướng dẫn các địa phương, các tổ chức tín dụng cho vay, giải ngân nhanh chóng, đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng đối với các doanh nghiệp, dự án bất động sản đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Ưu tiên danh mục cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân bảo đảm công tác an sinh, xã hội.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: Thảo Ngân

Nhà trong ngõ tại Hà Nội tăng giá

Trong bản tin thị trường bất động sản nửa đầu tháng 4 do Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) vừa công bố, bất động sản nhà riêng trong ngõ tại trung tâm Thủ đô liên tục ghi nhận mức giá tăng.