Ảnh minh họa: Quách Sơn. |
Trên thị trường thế giới, theo dữ liệu từ Oilprice ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 20/10 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent tăng 88 cent, tương đương 0,96%, lên mức 92,38 USD/thùng; Trong khi giá dầu WTI tăng 1,05 USD, tương đương 1,19%, lên mức 89,37 USD/thùng.
Tại thị trường Singapore, trong vài ngày gần đây, giá xăng dầu có xu hướng tăng nhẹ. Đơn cử, giá xăng 92 tăng từ 93 USD/thùng (ngày 11/10) lên 95 USD/thùng (ngày 19/10), hoặc giá xăng 95 tăng từ 98,3 USD thùng lên 99,99 USD/thùng.
Do đó, dự báo tại kỳ điều hành giá ngày 23/10, giá xăng có thể tăng theo xu hướng giá thế giới, nhưng chỉ tăng nhẹ khoảng 200-500 đồng/lít.
Tuy nhiên, mức tăng còn phụ thuộc vào mức chi và trích Quỹ Bình ổn giá của cơ quan điều hành là liên Bộ Công Thương - Tài chính.
Tại kỳ điều hành gần nhất ngày 11/10, giá xăng dầu trong nước đã có đợt giảm mạnh nhất kể từ đầu năm nay. Theo đó, giá xăng E5 RON92 giảm 1.595 đồng/lít, không cao hơn 21.907 đồng/lít. Giá xăng RON95 không cao hơn 23.044 đồng/lít, giảm 1.798 đồng/lít.
Các loại dầu cũng đồng loạt giảm. Giá dầu diesel không cao hơn 22.410 đồng/lít, giảm 1.184 đồng/lít.
Giá dầu hỏa về mức 22.464 đồng/lít, giảm 1.352 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành. Dầu mazut xuống 16.238 đồng/kg, giảm 1.214 đồng/kg.
Cũng tại kỳ điều hành này, liên Bộ quyết định không trích lập Quỹ Bình ổn giá đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu. Đồng thời, tiếp tục không chi sử dụng Quỹ đối với 2 mặt hàng xăng, dầu mazut; Ngừng chi sử dụng Quỹ đối với 2 mặt hàng dầu diesel (kỳ trước chi 285 đồng/lít) và dầu hỏa (kỳ trước chi 109 đồng/lít).
Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 29 lần điều chỉnh, trong đó có 16 lần tăng, 9 lần giảm và 4 lần giữ nguyên.
Mới đây, Bộ Công Thương đã có báo cáo tóm tắt về nội dung tờ trình sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu.
Liên quan đến điều hành giá xăng dầu, Bộ Công Thương đưa ra phương án thứ nhất là giữ nguyên quy định hiện hành, nhưng sẽ rà soát một số chi phí thực tế phát sinh, sửa đổi quy định về phương thức và tần suất xác định các chi phí để đảm bảo tính đúng, tính đủ và kịp thời hơn cho doanh nghiệp.
Phương án thứ hai là sửa đổi công thức, phương pháp công bố giá cơ sở theo hướng Nhà nước chỉ công bố các yếu tố cấu thành giá. Doanh nghiệp đầu mối căn cứ các chi phí thực tế của mình để tự xác định và công bố giá bán lẻ, sau đó báo cáo về liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương để giám sát.