Ảnh minh họa: Quách Sơn/Mekong ASEAN. |
Liên quan đến dự thảo Nghị định thay thế các Nghị định kinh doanh xăng dầu đang được Bộ Công thương lấy ý kiến các Bộ ngành, hiệp hội, doanh nghiệp, bà Nguyễn Thuý Hiền, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) vừa cung cấp thêm thông tin với báo chí về các nội dung đang được các chuyên gia, doanh nghiệp góp ý, kiến nghị.
Theo bà Hiền, trong dự thảo Nghị định lần này có 6 điểm mới:
Về cơ chế điều hành xăng dầu, dự thảo Nghị định đã đưa ra công thức cho doanh nghiệp tự tính toán và sau đó doanh nghiệp tự công bố, kê khai giá với cơ quan quản lý để cơ quan quản lý giám sát.
Về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, dự thảo Nghị định quy định Quỹ Bình ổn thực hiện theo Luật Giá 2023. Trong Luật Giá cũng đã quy định những trường hợp và biện pháp thực hiện bình ổn giá.
Về bổ sung một số điều kiện với các doanh nghiệp thương nhân đầu mối xăng dầu. Cụ thể, các thương nhân đầu mối khi tham gia thị trường phải có kinh nghiệm ít nhất 36 tháng; thực hiện kết nối mạng với cơ quan quản lý Nhà nước để cơ quan quản lý giám sát tổng nguồn cung và tồn kho của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng phải đảm bảo tổng nguồn tối thiểu là 100.000 m3, tấn/năm.
Dự thảo Nghị định lần này cũng loại bỏ quy định thương nhân phân phối phải dự trữ xăng dầu 5 ngày, loại bỏ 1 số quy định về kho chứa…
Để tránh mua bán qua nhiều tầng nấc trung gian, thương nhân phân phối được quy định là không được mua bán xăng dầu của nhau.
Dự thảo Nghị định bỏ đi quy định về dịch vụ kinh doanh xăng dầu vì qua rà soát, dịch vụ kinh doanh xăng dầu không phải là mặt hàng kinh doanh có điều kiện.
Lý giải về nội dung "không cho thương nhân phân phối xăng dầu được lấy từ nhiều nguồn" dù Nghị định 95 hiện hành đang cho phép thực hiện, bà Hiền cho hay, sở dĩ, dự thảo Nghị định không cho phép thương nhân phân phối mua bán xăng dầu của nhau là có lý do.
Theo Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, qua công tác thanh tra kiểm tra với các thương nhân phân phối thời gian qua cũng bộc lộ một số điểm cần chấn chỉnh.
Trước hết, việc cho phép thương nhân phân phối xăng dầu được mua xăng dầu của nhau tạo ra nhiều tầng nấc trung gian trong khâu phân phối, làm tăng thêm chi phí và là một trong những nguyên nhân dẫn tới chiết khấu tại khâu bán lẻ ở mức thấp, không khuyến khích doanh nghiệp bán xăng dầu ra thị trường.
Việc mua bán xăng dầu giữa các thương nhân phân phối xăng dầu với nhau trên thực tế khiến cho cùng một lượng xăng dầu đưa ra tiêu thụ trên thị trường nhưng đều nằm trong số liệu báo cáo tiêu thụ xăng dầu của nhiều thương nhân phân phối xăng dầu, tạo nên con số tiêu thụ "ảo" trên thị trường, gây khó khăn cho cơ quan quản lý Nhà nước trong việc kiểm soát nguồn cung, điều tiết thị trường.
Cuối cùng, việc thương nhân phân phối xăng dầu mua bán xăng dầu lẫn nhau như hiện nay, trên thực tế còn phục vụ mục đích kinh doanh tài chính của doanh nghiệp, tạo doanh thu cho thương nhân phân phối xăng dầu để chứng minh tài chính khi vay vốn ngân hàng, không đảm bảo đúng mục tiêu kinh doanh xăng dầu phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân.
“Một số ý kiến cho rằng quy định thương nhân phân phối xăng dầu không được mua bán xăng dầu với nhau có thể có yếu tố hạn chế cạnh tranh trên thị trường, không đảm bảo sự công bằng theo nguyên tắc thị trường. Tuy nhiên, kinh doanh xăng dầu là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nên phải tuân thủ điều kiện khi tham gia kinh doanh. Các thương nhân trong từng phân khúc thị trường vẫn tự do cạnh tranh với nhau. Đồng thời, quy định này cũng tạo động lực cho thương nhân phát triển hướng tới phân khúc thị trường cao hơn, như làm thương nhân đầu mối”. |
Bà Nguyễn Thuý Hiền, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) |
Trong một diễn biến liên quan, theo công bố mới nhất từ Bộ Tài chính vào ngày 4/10, số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tính đến hết quý 2/2024 là gần 6.061 tỷ đồng, giảm hơn 1.300 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ là 7.424,7 tỷ đồng).
Trong đó, số dư Quỹ tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là 3.078,6 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV dầu khí TP HCM 328 tỷ đồng; Tổng công ty xăng dầu Quân đội 299,7 tỷ đồng; CTCP thương mại dầu khí Đồng Tháp 460 tỷ đồng; Tổng công ty thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ 390,4 tỷ đồng;...
Trong nửa đầu năm, cơ quan quản lý đã thực hiện trích lập Quỹ 29,25 tỷ đồng; tổng số tiền chi sử dụng Quỹ trong kỳ là 9,7 tỷ đồng.
Nguồn hình thành Quỹ Bình ổn được trích lập thông qua giá mua, do người tiêu dùng chi trả (tối đa 300 đồng/lít) nhưng được quản lý tại doanh nghiệp và việc sử dụng quỹ do cơ quan quản lý là liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định.
Việc Bộ Tài chính công khai tình hình trích lập, sử dụng và lãi phát sinh trên số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu nhằm tiếp tục thực hiện nguyên tắc công khai minh bạch trong điều hành giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 83/2014 và Nghị định 95/2021 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.