Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Quochoi |
Phát biểu giải trình một số vấn đề đại biểu nêu về tình hình kinh tế xã hội sáng 1/6, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, trong bối cảnh tình hình thế giới rất khó khăn, kết quả đạt được của Việt Nam trong năm 2022 là tích cực, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Từ cuối năm 2022, tình hình trở nên phức tạp, khó khăn và Chính phủ đã nhận diện được, đồng thời có những chính sách để đối phó. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nêu thực tế, nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng; hệ thống pháp luật đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện. Vì vậy trong quá trình chuyển đổi có mâu thuẫn, chồng chéo hay xung đột, chưa đồng bộ, chưa đầy đủ... là không thể tránh khỏi. Quan trọng là phải phát hiện và kịp thời, điều chỉnh, bổ sung phù hợp với thực tiễn.
Bộ trưởng cũng nhìn nhận các vấn đề khác của nền kinh tế, như năng lực chống chịu, thích ứng còn hạn chế; hậu quả Covid - 19 để lại hết sức nặng nề và các doanh nghiệp phải gồng mình chống chịu trong thời gian qua; quy mô nền kinh tế không ngừng tăng lên, các thị trường phát triển nhanh, đa dạng, liên kết chặt chẽ với nhau, ảnh hưởng đến nhau nhiều hơn; một số bộ phận cán bộ đang tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, né tránh đùn đẩy trong xử lý công vụ...
“Mặc dù kết quả quý 1/2023 chưa đạt mục tiêu Quốc hội giao nhưng so với các nước khác đã là tích cực. Cộng đồng quốc tế vẫn đánh giá cao triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, quan trọng là chúng ta vẫn ổn định vĩ mô, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo, thị trường du lịch phục hồi mạnh...”, Bộ trưởng khẳng định.
Trước những khó khăn mà các đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, từ nay đến cuối năm, Chính phủ sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khơi thông điểm nghẽn, giải phóng các nguồn lực, tận dụng cơ hội mới để đạt được mục tiêu cao nhất.
Về chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ trưởng thông tin, đến nay các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn của Trung ương đã đẩy đủ. Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2022/NĐ-CP về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đã trình Chính phủ, trong tháng 6 này sẽ xong; hướng dẫn của địa phương, giao vốn cũng đã hoàn thành. Sắp tới Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo để giải ngân nhanh nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia.
Về tình hình khó khăn chung của doanh nghiệp, người lao động như nhiều đại biểu nêu, Bộ trưởng nhìn nhận các khó khăn, thách thức chính là về thị trường, dòng tiền, thủ tục hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh... Khó khăn của doanh nghiệp lại ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề lao động, việc làm, thu nhập, đời sống lao động của người dân.
“Đây là những vấn đề Chính phủ đặc biệt quan tâm và thời gian qua đã có các chính sách để hỗ trợ như giảm lãi suất cho vay, điều kiện vay, giảm thuế phí, lệ phí, mở rộng thị trường. Thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu, chỉ đạo có biện pháp thực thi chính sách phát triển mạnh hơn, kịp thời hơn, hiệu quả hơn để hỗ trợ ngay cho doanh nghiệp, cho người lao động”, Bộ trưởng chia sẻ.
Về đầu tư công, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, đến nay việc phân cấp, phân quyền đã được thực hiện triệt để, giao tất cả các quyền cho bộ, ngành, địa phương, từ khâu lựa chọn dự án, lập dự án, chuẩn bị dự án, giải ngân đến việc điều chỉnh dự án, giải phóng mặt bằng, đầu thầu... Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan trung ương chỉ làm công tác tổng hợp, rà soát.
Vậy vấn đề đặt ra là vì sao cùng mặt bằng pháp lý nhưng địa phương này thực hiện tốt, địa phương khác tỷ lệ giải ngân thấp? Theo Bộ trưởng, vấn đề nằm ở khâu tổ chức thực hiện. Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị các đại biểu, HĐND các cấp quan tâm và giám sát địa phương mình, ngành mình, cùng với Chính phủ tạo chuyển biến tích cực hơn trong vấn đề giải ngân đầu tư công trong thời gian tới.
Về vấn đề quy hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, nhờ có Nghị quyết 61 của Quốc hội về giám sát chuyên đề, các vấn đề vướng mắc trong công tác quy hoạch cơ bản để giải quyết và đến nay không còn ách tắc trong thể chế. Vấn đề hiện nay là tập trung lập, thẩm định và phê duyệt.
“Với 111 quy hoạch hiện nay, chúng ta đã hoàn thành thẩm định 65 quy hoạch và đang triển khai là 39 quy hoạch; phấn đấu trong năm 2023 hoàn thành 5 quy hoạch vùng còn lại và tất cả các quy hoạch của địa phương được lập, thẩm định và phê duyệt”, Bộ trưởng nói.
Cùng ý kiến với Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, giải quyết các khó khăn, ách tắc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Trung ương chỉ quản lý các vấn đề lớn, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, giám sát... Còn địa phương phải thực hiện và chịu trách nhiệm.