Dân tộc Mường chiếm tới hơn 98% trong số 29.400 người DTTS tại Ninh Bình. (Ảnh minh họa: Cổng TTĐT Ninh Bình) |
Kế hoạch nhằm giám sát, đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc chấp hành quy định về quản lý, tổ chức triển khai thực hiện chương trình trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, kiểm tra, kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, phát huy những mặt tích cực, phát hiện những mặt còn yếu kém, hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện ở các cấp, đề xuất các giải pháp và kiến nghị...
Đối tượng tham gia là chủ dự án, chủ tiểu dự án, chủ nội dung thành phần, chủ đầu tư các dự án thuộc các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện chương trình. Định kỳ 6 tháng, hằng năm sẽ có hoạt động đánh giá đầu kỳ, giữa kỳ và cuối kỳ cho cả giai đoạn hoặc đột xuất kiểm tra theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Nội dung giám sát bao gồm theo dõi, kiểm tra việc quản lý thực hiện chương trình như xây dựng hệ thống văn bản quản lý, tổ chức thực hiện chương trình; hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện dự án thành phần theo phân cấp, lập kế hoạch thực hiện giai đoạn 5 năm và kế hoạch hằng năm; thực hiện và điều chỉnh kế hoạch triển khai chương trình; công tác truyền thông, tăng cường năng lực quản lý, thực hiện nội dung, hoạt động dự án thành phần.
Theo dõi, kiểm tra tiến độ, mức độ, kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ; khối lượng thực hiện các nội dung, tình hình thực hiện kế hoạch vốn đầu tư, dự toán ngân sách nhà nước: lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện dự án đầu tư; huy động, sử dụng vốn thực hiện chương trình, dự án thành phần; tình hình sử dụng vốn ngân sách nhà nước trong thực hiện các dự án đầu tư, nội dung, hoạt động thuộc chương trình, dự án thành phần (giải ngân, thanh toán, quyết toán, nợ đọng vốn xây dựng cơ bản...)
Theo dõi, kiểm tra năng lực tổ chức thực hiện, việc chấp hành quy định về quản lý chương trình, quản lý đầu tư, biện pháp xử lý các vấn đề vi phạm đã được cơ quan có thẩm quyền phát hiện (nếu có) của chủ dự án thành phần, cơ quan chủ quản... Báo cáo kết quả thực hiện chương trình, kết quả xử lý các vướng mắc, khó khăn thuộc thẩm quyền và đề xuất phương án xử lý khó khăn, vướng mắc, vấn đề vượt thẩm quyền.
UBND tỉnh yêu cầu kiểm tra, giám sát, đánh giá phải bám sát mục tiêu, nội dung của các dự án, tiểu dự án, bảo đảm khách quan, phản ánh trung thực, đúng thực chất, đầy đủ kết quả đạt được; không làm ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan, đơn vị tổ chức, cá nhân được kiểm tra, giám sát; kịp thời xử lý theo quy định hoặc kiến nghị, đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý những tồn tại, hạn chế các phát hiện sau kiểm tra, giám sát.
Rút ngắn khoảng cách với các vùng phát triển
Ninh Bình có trên 29.400 người dân tộc thiểu số (DTTS) đang sinh sống, chiếm 2,99% dân số toàn tỉnh. Trong đó chủ yếu là dân tộc Mường, chiếm tới 98,56%; còn lại là dân tộc Tày, Thái, Khơ Me, Nùng, Dao, Ê đê, Cơ Ho, Sán rìu, Mơ Nông, Sila; sinh sống tập trung tại 8 xã của huyện Nho Quan và xã Yên Sơn, thành phố Tam Điệp.
Ninh Bình thực hiện nhiều chính sách nhằm hỗ trợ đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Ảnh minh họa: Cổng TTĐT Ninh Bình |
Có 465 hộ nghèo là người DTTS trên tổng số 7.912 hộ nghèo toàn tỉnh, chiếm 5,88% số hộ nghèo; có 447 hộ cận nghèo là người DTTS trên tổng số 10.519 hộ cận nghèo của tỉnh, chiếm tỉ lệ 4,25% số hộ cận nghèo.
Trong những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã quan tâm thực hiện các chính sách của Nhà nước về phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng, giảm nghèo, phát triển nguồn nhân lực và đảm bảo an sinh xã hội đối với vùng đồng bào DTTS.
Năm 2022, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Kế hoạch số 185/KH-UBND thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, ưu tiên phát triển toàn diện, nhanh, bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi nhằm khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế so sánh của vùng, bảo vệ môi trường và không gian sinh sống của đồng bào DTTS.
Đồng thời, từng bước rút ngắn khoảng cách về mức thu nhập giữa vùng đồng bào DTTS và miền núi so với vùng phát triển, chú trọng thu hút các nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, kết nối với các vùng phát triển.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, đời sống của nhân dân vùng đồng bào DTTS ngày càng được nâng cao cả về vật chất và tinh thần, thu nhập bình quân đầu người đã dần tiếp cận với mặt bằng chung tại địa phương, dịch vụ tài chính, ngân hàng, bưu chính viễn thông được phát triển đến 100% các xã vùng đồng bào DTTS.
Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ được duy trì đảm bảo; các hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra bình thường, các chính sách đối với đồng bào DTTS và miền núi tiếp tục được thực hiện đầy đủ, đúng quy định, nhiều hộ đồng bào DTTS phát huy tinh thần tự lực, tận dụng tiềm năng sẵn có của địa phương để phát triển sản xuất vươn lên làm giàu.
Tỷ lệ xã vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt chuẩn văn hóa là 100%, 100% thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng, chính sách đào tạo nghề cho người lao động được quan tâm.
Về giáo dục, chú trọng thực hiện có hiệu quả các chính sách đối với người DTTS, như chính sách ưu tiên tuyển sinh, miễn, giảm học phí, cấp học bổng, hỗ trợ học tập (tiền, gạo, sách vở, đồ dùng học tập) nhằm tăng tỷ lệ trẻ trong độ tuổi mầm non ra lớp, tăng tỉ lệ học sinh hoàn thành các cấp học tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Kết quả hiện nay, tỷ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi người DTTS tới trường đạt 99,7%; tỷ lệ học sinh người DTTS trong độ tuổi tiểu học tới trường đạt 99,97%; tỷ lệ học sinh người DTTS trong độ tuổi THCS tới trường đạt 98,98%; tỷ lệ học sinh người DTTS trong độ tuổi THPT tới trường đạt 93%; tỷ lệ người DTTS từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông đạt 99,69%.