Giới công nghệ Trung Quốc chạy đua phát triển dịch vụ điện toán đám mây tại ĐNA

Giới công nghệ Trung Quốc chạy đua phát triển dịch vụ điện toán đám mây tại ĐNA
0:00 / 0:00
0:00
Các công ty công nghệ Trung Quốc đang nỗ lực giành thị phần trong lĩnh vực dịch vụ đám mây, đối đầu với các tập đoàn lớn của Mỹ trong khu vực Đông Nam Á

Theo Nikkei Asia, Alibaba và Huawei Technologies nằm trong số các công ty công nghệ Trung Quốc lên kế hoạch đầu tư hàng tỷ USD để xây dựng các trung tâm dữ liệu tại Đông Nam Á để chiếm lĩnh thị trường điện toán đám mây. Trong quá trình hướng tới một xã hội mang tính kết nối cao hơn, điện toán đám mây là một ngành then chốt ngang hàng với ngành công nghiệp bán dẫn.

Về tăng trưởng, Đông Nam Á là một trong những thị trường tiềm năng đối với các công ty cung cấp dịch vụ điện toán đám mây của Trung Quốc.

Tháng 11/2022, Huawei Technologies đã đánh dấu việc hoàn thành một trung tâm dữ liệu ở Indonesia và dự kiến thu hút khoảng 30 khách hàng nội địa vào cuối năm nay. Ông Jack Chen, Giám đốc điều hành Huawei tại Indonesia cho biết công ty sẽ tiếp tục mang đến sự đổi mới kỹ thuật số ở Indonesia thông qua các dự án phát triển. Trong 5 năm tới, Huawei sẽ đầu tư 300 triệu USD để phát triển cơ sở hạ tầng đám mây tại Indonesia. Đây là quốc gia thứ ba tại Đông Nam Á mà Huawei đặt trung tâm dữ liệu, cùng với Thái Lan và Singapore.

Một công ty công nghệ Trung Quốc khác là Alibaba đã xây dựng các trung tâm dữ liệu ở các quốc gia Đông Nam Á, trung tâm đầu tiên ở Thái Lan vào năm ngoái. Alibaba cho biết công ty sẽ đầu tư 1 tỷ USD trong vòng 3 năm, tính từ năm 2021, để phát triển các trung tâm dữ liệu thành một hoạt động có quy mô tương đương với hoạt động kinh doanh bán lẻ trực tuyến cốt lõi của công ty.

Đông Nam Á được cho là tâm điểm của sáng kiến đào tạo 1 triệu nhân công trong mảng kỹ thuật số và hỗ trợ 100.000 công ty khởi nghiệp công nghệ của Alibaba. Cùng với đó, Huawei cũng mong muốn đào tạo 100.000 kỹ sư và các chuyên gia tương tự, đồng thời hỗ trợ 500 công ty khởi nghiệp tại Indonesia. Với sáng kiến trên, các công ty công nghệ mong muốn giành thị phần điện toán đám mây trong khu vực.

Dù vậy, tốc độ tăng trưởng của thị trường điện toán đám mây Trung Quốc vẫn còn chậm. Dịch vụ đám mây của Trung Quốc trong quý III/2022 vừa qua chỉ ghi nhận sự tăng trưởng nhẹ 8% so với một năm trước đó, lên 7,8 tỷ USD, theo số liệu của Canalys.

Sự gia tăng cạnh tranh trên sân nhà một phần là do những trở ngại mà các công ty điện toán đám mây của Trung Quốc được gây dựng bởi các ông lớn công nghệ như Alibaba và Huawei Technologies đang gặp phải ở một số thị trường nước ngoài. Khi quan hệ Mỹ - Trung không mấy tốt đẹp, việc Chính phủ Mỹ sử dụng danh sách đen công nghệ vì vấn đề an ninh quốc gia, đã định hình lại vận mệnh của các công ty Trung Quốc trong và ngoài nước. Chẳng hạn như, Alibaba Cloud đã phải tạm ngừng mở rộng tại Mỹ.

Cùng với đó, sự biến động của thị trường, suy thoái kinh tế trong năm 2022 đã khiến các công ty công nghệ của Trung Quốc phải cắt giảm đầu tư vào lĩnh vực điện toán đám mây.

Những công ty công nghệ Mỹ chiếm thị phần lớn trên thị trường đám mây ở Đông Nam Á. Ảnh: Theo Nikkei Asia.

Những công ty công nghệ Mỹ chiếm thị phần lớn trên thị trường đám mây ở Đông Nam Á. Ảnh: Theo Nikkei Asia.

Tuy nhiên, các công ty công nghệ Trung Quốc sẽ phải đối mặt với các đối thủ có sức mạnh tài chính tốt của Mỹ như Amazon, Microsoft và Google kiểm soát khoảng 70% thị trường đám mây tại khu vực Đông Nam Á.

Cuộc chạy đua này ngày một nóng hơn khi các công ty Trung Quốc đang tìm cách giành thị phần thông qua chiến lược ưu đãi về giá cả. Narai Intertrade, công ty Thái Lan hiện đang hoạt động trên nền tảng dịch vụ đám mây của Alibaba cho biết một trong những lý do khiến công ty sử dụng dịch vụ điện toán đám mây của Alibaba là, các công ty Trung Quốc cung cấp dịch vụ có giá rẻ hơn so với các dịch vụ đám mây của những công ty khác.

Trong một tuyên bố, ông Kevin Imboden, Giám đốc nghiên cứu cấp cao về dữ liệu tại Cushman & Wakefield cho biết, với bối cảnh phân đôi toàn cầu như hiện nay, Đông Nam Á đã nổi lên như một chiến trường chung nơi các công ty Trung Quốc và phương Tây có thể cạnh tranh với nhau.

Đọc tiếp

Những người sáng tạo nội dung TikTok tập trung tại Đồi Capitol, ngày 12/3. Ảnh: Yahoo News

Mỹ tiến gần hơn tới lệnh cấm Tiktok

Thượng viện Mỹ ngày 23/4 (giờ địa phương) đã thông qua dự luật yêu cầu ứng dụng truyền thông mạng xã hội Tiktok phải thoái vốn khỏi công ty mẹ ByteDance ở Trung Quốc, hoặc sẽ bị cấm ở thị trường Mỹ.