Google gia nhập làn sóng sa thải hàng loạt ở Thung lũng Silicon

NHÂN SỰ google
16:34 - 22/11/2022
Google gia nhập làn sóng sa thải hàng loạt ở Thung lũng Silicon
0:00 / 0:00
0:00

Cùng xu hướng với các công ty công nghệ lớn khác của nước Mỹ, Google cũng không tránh khỏi việc phải lên kế hoạch cắt giảm khoảng 10.000 nhân sự. Làn sóng này cũng đang khiến hàng nghìn kỹ sư nhập cư làm việc tại Mỹ lo ngại.

Theo Forbes, trong bối cảnh thị trường khó khăn và nhu cầu tiết giảm chi phí, cùng với áp lực từ các quỹ đầu tư, Google sẽ lên kế hoạch sa thải những nhân viên làm việc kém hiệu quả và con số dự kiến là 10.000 người. Kế hoạch này được cho là để cải thiện hiệu suất làm việc của nhân viên.

Tính đến thời điểm hiện tại, Alphabet, công ty mẹ của Google có lực lượng lao động gần 187.000 người. Tốc độ tuyển dụng đã nằm ngoài tầm kiểm soát hàng năm. Một nhà đầu tư lớn tại Google là tỷ phú Christopher Hohn cho rằng, nguồn lực lao động tại Google đang quá nhiều và không phù hợp với tình hình lúc này.

Giống như tầm nhìn của CEO Twitter Elon Musk, nhà đầu tư Christopher Hohn cho rằng Google có thể hoạt động hiệu quả hơn với số lượng nhân viên ít hơn. Trong một lá thư gửi cho Alphabet, tỷ phú Christopher Hohn nhấn mạnh, nhân viên của công ty đang được trả lương quá cao so với các hãng công nghệ khác. Ngoài ra, số lượng nhân sự cũng cần phải thu hẹp.

Theo hồ sơ nộp lên Uỷ ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC) năm 2021, thu nhập trung bình của một nhân viên làm việc tại Alphabet là 295.884 USD, cao hơn gần 70% so với nhân viên của Microsoft, cao hơn 153% so với 20 công ty công nghệ lớn nhất Mỹ.

Ông Hohn cũng đặt câu hỏi vì sao Google và các công ty công nghệ lại trả lương hậu hĩnh cho các kỹ sư phần mềm. Còn các công ty công nghệ cho rằng chiến lược chi số tiền lớn để nhân viên không bỏ việc hay thành lập những công ty khác có thể cạnh tranh với họ nhằm giữ chân nhân tài.

Vào tháng 7, CEO Google là ông Sundar Pichai đã đưa ra những dự đoán về các thách thức phía trước. Trong một cuộc họp với nhân viên, ông cho rằng, nhân viên cần phải đẩy mạnh năng suất hơn nữa, đồng thời cảnh báo thời kỳ huy hoàng đã qua. Các công ty công nghệ đều đang đứng trước nguy cơ kinh tế toàn cầu suy thoái, buộc phải cắt giảm chi phí hoạt động và nâng cao hiệu quả dựa trên tài nguyên hạn hẹp sẵn có.

Nỗi lo của hàng nghìn kỹ sư vừa bị sa thải

Phần lớn các công ty công nghệ ở Thung lũng Silicon (Mỹ) tuyển dụng nhân viên theo chính sách visa H-1B. Visa H-1B từng được xem là nền tảng dự trữ tài năng công nghệ của Thung lũng Silicon. Nhưng giờ đây, làn sóng sa thải hàng loạt đã khiến giấc mơ của hàng nghìn kỹ sư sụp đổ.

Báo cáo của Sở Nhập tịch và Di trú Mỹ (USCIS) hồi tháng 3 cho thấy, số lượng đơn xin H-1B được thông qua trong năm 2021 là hơn 400.000 hồ sơ. Trong đó, 68% là những nhân viên có chuyên môn, kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ, tương đương với 280.000 người.

Với những lao động đến Mỹ theo diện visa H-1B phải tìm được việc làm sau 60 ngày kể từ khi nhận được quyết định sa thải, nếu không muốn bị trục xuất.

Số liệu thống kê của Layoffs.fyi nêu rõ, từ đầu năm đến nay, tổng số lao động công nghệ bị sa thải ở Thung lũng Silicon ghi nhận ở mức 135.000 nhân sự, phần lớn đến từ các công ty công nghệ lớn như Meta, Amazon, Twitter,….Trước làn sóng sa thải lớn đó, cơ hội tìm việc làm để ở lại Mỹ càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Tiến sĩ kinh tế Gaurav Khanna tại Đại học California nhận xét rằng, làn sóng sa thải có thể nhấn chìm hàng loạt tài năng công nghệ nước ngoài. “Chính sách nhập cư Mỹ gây áp lực nặng nề lên những lao động nhập cư. Nhiều nhân viên công nghệ sẽ phải thu dọn hành lý và rời đi, đồng nghĩa sẽ không còn nhiều người đến Mỹ làm việc nữa, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ vì tương lai quá bất ổn”, TS. Khanna nói với NBC News.

Tin liên quan

Đọc tiếp