Hà Nội: Giải bài toán thành phố thông minh để phát triển kinh tế - xã hội

đô thị HÀ NỘI
07:39 - 30/11/2023
Các đại biểu trao đổi, thảo luận về các giải pháp chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh.
Các đại biểu trao đổi, thảo luận về các giải pháp chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh.
0:00 / 0:00
0:00
Mô hình thành phố thông minh mà Hà Nội hướng tới sẽ mang lại môi trường sống chất lượng cho người dân. Tuy nhiên, Hà Nội đang phải đối mặt với những bài toán hóc búa như giải quyết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, giữa đô thị hóa với bảo vệ môi trường...

Ngày 29/11, tại Hà Nội, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội phối hợp với Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức khai mạc Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - Châu Á 2023.

Hà Nội hướng tới mô hình thành phố thông minh bền vững

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhận định, việc khai thác dữ liệu số, xây dựng thành phố thông minh là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đối với mọi cấp chính quyền, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội nghị.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội nghị.

Trong đó, mô hình thành phố thông minh bền vững mà Hà Nội hướng tới sẽ mang lại môi trường sống thực sự chất lượng, tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân. Đồng thời, xây dựng chính quyền phục vụ vì sự phát triển của tổ chức, doanh nghiệp; Với nền kinh tế năng động, trong đó kinh tế số chiếm tỷ trọng ngày càng lớn.

Cùng với đó là lực lượng lao động có khát vọng vươn lên, không ngừng sáng tạo và cống hiến, góp phần tạo nên xã hội thịnh vượng và toàn bộ người dân được sống, học tập, lao động trong môi trường an toàn, hạnh phúc.

Để thực hiện mục tiêu đó, Hà Nội đang phải đối mặt với những bài toán hóc búa như giải quyết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển; Giữa đô thị hóa, phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe người dân…

Cũng theo Chủ tịch UBND thành phố, đặc tính bền vững của Hà Nội sẽ được thể hiện thông qua những lựa chọn “thông minh”, giải pháp “thông minh”, công nghệ “thông minh”. Ông Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc làm rõ những nội dung về mô hình Hà Nội có thể tham khảo hay những chính sách, khuyến nghị, công nghệ phù hợp cũng như vai trò của công nghệ số, chuyển đổi số và đặc biệt là dữ liệu số.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nhận định, phát triển đô thị thông minh cần tầm nhìn dài hạn, toàn diện và một cách tiếp cận tổng thể, không chỉ tập trung vào khía cạnh công nghệ.

Theo đó, để đạt được những mục tiêu đô thị thông minh thì các yếu tố thông minh phải được xác định, tính toán và đưa vào ngay từ khi quy hoạch đô thị, thành phố.

"Phát triển đô thị thông minh chính là xây dựng một phương thức phát triển và vận hành đô thị hiện đại, hiệu quả dựa trên việc ứng dụng các công nghệ có tính đổi mới, sáng tạo, không phải một tập hợp rời rạc các hệ thống, ứng dụng của các cơ quan chuyên môn do các vấn đề trong đô thị có quan hệ chặt chẽ với nhau. Các địa phương phải bảo đảm gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số tại địa phương, không tách rời, không trùng lặp, tất cả đều hướng đến mục tiêu lấy người dân làm trung tâm".Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng

Thứ trưởng cũng lưu ý, việc phát triển đô thị thông minh cần phải coi hạ tầng thông tin đô thị, hạ tầng số và đặc biệt là hạ tầng dữ liệu như một hạ tầng thiết yếu của đô thị, là nền tảng để thông minh hóa các hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng kinh tế - xã hội khác.

"Quá trình này đòi hỏi sự tham gia tích cực và chủ động của tất cả các cấp, các ngành tại địa phương. Hội nghị ngày hôm nay sẽ là cơ hội bàn thảo, trao đổi thông tin từ nhiều chuyên gia quốc tế, các doanh nghiệp công nghệ về các giải pháp, đề xuất để xây dựng thành phố thông minh bền vững, cũng như các địa phương có kinh nghiệm", Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho hay.

Giải bài toán xây dựng thành phố thông minh để phát triển xứng tầm Thủ đô

Công cuộc xây dựng thành phố thông minh cho Hà Nội bước đầu đã có những cơ chế, chính sách cụ thể làm nền tảng: Nghị quyết số 52 ngày 2/9/2019 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 06 ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 15 ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đặc biệt là Nghị quyết số 18 ngày 30/12/2022 của Thành ủy về chuyển đổi số, xây dựng Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Hà Nội cũng đang là địa phương có nhiều khu đô thị được quy hoạch thông minh nhất cả nước 3 khu: Vinhome Ocean Park, Vinhome Smart City và mới đây nhất là Thành phố thông minh Bắc Hà Nội.

Hà Nội đang chịu áp lực lớn giải bài toán xây dựng thành phố thông minh để phát triển kinh tế - xã hội xứng tầm Thủ đô. Trong khi thành phố phải đối mặt với những thách thức không nhỏ như: Dân số đông, gia tăng cơ học một cách nhanh chóng; Những vấn đề bất cập do hạ tầng giao thông chưa kịp phát triển để đáp ứng tốc độ đô thị hóa; Ô nhiễm môi trường và các vấn đề liên quan đến cấp/thoát nước, xử lý ngập nước…

Theo báo cáo từ Sở Thông tin và Truyền thông, Hà Nội đang cần giải quyết rất nhiều bài toán liên quan đến dữ liệu số: Dữ liệu thì vừa thiếu, vừa thừa; Khai thác dữ liệu khó khăn, chưa có chuẩn kết nối, độ chính xác chưa cao, mô hình thông tin, chiến lược dữ liệu cũng cần được chú trọng đầu tư bài bản hơn.

Đây chính là nhiệm vụ cấp thiết trong thời gian tới, trước khi triển khai các giải pháp về phân tích, hỗ trợ quản lý điều hành và xa hơn là khai thác dữ liệu để tạo ra những giá trị kinh tế xã hội mới.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng Sáng lập VINASA, Chủ tịch Tập đoàn FPT đánh giá, Việt Nam đang có vị thế chính trị lớn trên trường quốc tế, có lợi thế lớn trong trở thành trung tâm phát triển công nghiệp công nghệ cao đặc biệt công nghiệp bán dẫn. Hà Nội đang có vị thế lớn và đứng trước nhiều cơ hội với vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế xã hội của Việt Nam.

"Hà Nội không thể chỉ xây dựng thành phố thông minh cho chính mình mà cần thành trung tâm sản xuất thiết bị thông minh, cung cấp giải pháp thông minh, cung cấp nguồn nhân lực cho các thành phố khác tại Việt Nam và thế giới trở nên thông minh. Hà Nội cần cung cấp không gian rộng mở cho cộng đồng doanh nghiệp công nghệ thông tin sáng tạo, phát triển, để chung tay, đồng hành cùng thành phố trong nhiệm vụ này" Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng Sáng lập VINASA, Chủ tịch Tập đoàn FPT

Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - Châu Á 2023 (Vietnam - Asia Smart City Summit 2023) với phiên khai mạc và 9 phiên chuyên đề, hơn 80 diễn giả, chuyên gia, cùng hơn 1.000 đại biểu là các lãnh đạo, nhà quản lý đến từ 11 nền kinh tế, Bộ và cơ quan ngang Bộ; 15 Sở, ban, ngành của 18 tỉnh thành phố trên cả nước và các doanh nghiệp công nghệ, doanh nghiệp ứng dụng, chuyên gia, viện nghiên cứu, các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước và quốc tế.

Bên cạnh các phiên hội nghị, gần 30 gian hàng triển lãm giới thiệu các dịch vụ, giải pháp công nghệ xuất sắc phục vụ phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam và khu vực.

Diễn ra trong 2 ngày (29-30/11), Hội nghị với chủ đề “Khai thác dữ liệu – Xây dựng thành phố thông minh, phát triển bền vững” và 3 nhóm hội thảo chuyên đề với các nội dung: Chính quyền, người dân và doanh nghiệp; Công nghệ, Dữ liệu và kết nối; Hợp tác và phát triển.

Sự kiện sẽ tạo diễn đàn chia sẻ những khuyến nghị, kinh nghiệm và bài học thực tiễn thực sự bổ ích, qua đó giúp TP Hà Nội lựa chọn và tận dụng tốt hơn cơ hội để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Thủ đô xanh, an toàn, phát triển nhanh và bền vững.

Tin liên quan

Đọc tiếp

CEO Apple Tim Cook.

CEO Apple Tim Cook đến Việt Nam

Ngày 15/4, Apple xác nhận CEO Tim Cook có mặt tại Việt Nam nhằm tăng các khoản chi cho các nhà cung cấp Việt Nam, cũng như hỗ trợ cung cấp năng lượng sạch, nước sạch cho các trường học.