Ban Điều hành Habeco nhận định năm 2023, công ty sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn khi giá cả nhiều yếu tố đầu vào và chi phí sản xuất kinh doanh có xu hướng tăng. Ảnh: Habeco |
Theo đó, sau khi dành hơn 42,1 tỷ đồng để trích lập các quỹ công ty mẹ, phần lợi nhuận sau thuế còn lại để chia cổ tức của Habeco là 278,1 tỷ đồng. Với số tiền này, công ty dự kiến chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 12% (tương đương mỗi cổ phiếu, cổ đông nhận được 1.200 đồng).
Năm 2022, công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt gần 503 tỷ đồng, kế hoạch chia cổ tức tỷ lệ 15%. Tuy nhiên, do Bộ Công Thương là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại Habeco, chiếm tỷ lệ chi phối 81,79% vốn điều lệ của Habeco, đang xem xét về phương án phân phối lợi nhuận năm 2022 của công ty. Vì vậy, đại hội đã thông qua việc sẽ lấy ý kiến của cổ đông về nội dung này sau khi Bộ Công Thương và Bộ Tài Chính có ý kiến.
Mục tiêu lợi nhuận giảm một nửa do dự kiến giá nguyên liệu đầu vào ở mức cao
Về kế hoạch kinh doanh năm 2023, Habeco đặt mục tiêu doanh thu tiêu thụ sản phẩm chính đạt 7.367,3 tỷ đồng, tăng 6% so với thực hiện năm 2022. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế và sau thuế đạt lần lượt 273,9 tỷ đồng và 222,1 tỷ đồng, giảm 47% so với năm 2022.
Theo tờ trình của Habeco, với 222,1 tỷ đồng lãi sau thuế, công ty dự định dành 34,4 tỷ đồng trích lập các quỹ công ty mẹ, còn 185,44 tỷ đồng, dự kiến chia toàn bộ cổ tức bằng tiền với tỷ lệ tương ứng 8%. Do lợi nhuận dự kiến năm 2023 giảm gần 50% so với thực hiện năm trước, nên tỷ lệ chia cổ tức cũng giảm gần một nửa so với mức dự kiến 15% của năm 2022.
Tính đến hết quý 1/2023, doanh thu thuần của Habeco giảm 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 1.173 tỷ đồng. Đây cũng là mức thấp nhất của Bia Hà Nội kể từ quý I/2020.
Tương ứng với đó, công ty chứng kiến mức lỗ ròng 3,7 tỷ đồng cho quý 1/2023, trong khi cùng kỳ lãi 34,6 tỷ đồng, đánh dấu quý đầu tiên Habeco ghi nhận mức lỗ sau 3 năm.
Nguyên nhân được đưa ra tương tự thời điểm đầu năm 2020, đó là do doanh thu bán hàng bị ảnh hưởng bởi việc kiểm soát chặt chẽ vi phạm về nồng độ cồn và việc người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Ngoài ra, công ty cũng chịu ảnh hưởng kép từ việc giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh so với cùng kỳ.
Tính đến hết quý 1/2023, công ty mới hoàn thành 15,9% kế hoạch doanh thu và còn cách xa kế hoạch lợi nhuận năm.
Ban Điều hành Habeco nhận định năm 2023, công ty sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn khi lạm phát, tỷ giá ngoại tệ, lãi suất biến động khiến giá cả nhiều yếu tố đầu vào và chi phí sản xuất kinh doanh có xu hướng tăng.
Dự kiến, giá một số nguyên vật liệu chính cho sản xuất bia như bột trợ lọc, hoa houblon, gạo, đường tiếp tục tăng trong năm 2023. Riêng với malt, nguyên liệu đầu vào chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản xuất, năm nay, giá đầu vào malt của Habeco ước tính tăng khoảng 50% so với giá bình quân mua vào năm 2022.
Bên cạnh đó, Habeco tiếp tục phải chịu sự cạnh tranh gay gắt từ những đối thủ lớn là các tập đoàn đa quốc gia và phải đấu tranh gay gắt với sự xâm phạm nghiêm trọng quyền sở hữu trí tuệ, gây nhầm lẫn với các sản phẩm của Habeco.
Do đó, trong năm 2023, Ban Điều hành dự kiến tiếp tục xây dựng và phát triển thương hiệu, quảng bá sản phẩm, kết nối người tiêu dùng thông qua các hoạt động truyền thông và các chương trình khuyến mại.
Về hệ thống phân phối, Habeco dự kiến kiện toàn và kiểm soát chặt chẽ hệ thống phân phối thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin và phần mềm. Kiểm soát chặt chẽ vùng bán, hạn chế bán lấn vùng, lấn tuyến, hoàn thiện và đa dạng kênh phân phối, ứng dụng kênh thương mại điện tử và tối ưu hóa web bán hàng của Habeco.