Theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, trong thời gian qua, việc triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế khu vực nông thôn, tạo sức bật phát triển kinh tế trên phạm vi toàn tỉnh.
Các sản phẩm OCOP của tỉnh Hải Dương có chất lượng cao, mẫu mã phong phú, đa dạng. |
Ở huyện Tứ Kỳ (Hải Dương), nghề khai thác rươi có từ lâu và được người dân nơi đây ví rươi như là "lộc trời". Rươi của huyện thường được phân phối đi các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, TP HCM và được xuất khẩu. Hiện toàn huyện có khoảng 500 ha diện tích khai thác rươi, tập trung ở các xã ven sông Thái Bình như An Thanh, Cộng Lạc, Nguyên Giáp, Quang Trung, Bình Lãng, vào thời điểm tháng 9 - 11 âm lịch là thời điểm người dân khai thác rươi chính vụ.
Sản phẩm rươi cấp đông của huyện Tứ Kỳ trong năm 2019 được UBND tỉnh Hải Dương công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao. Sau khi được chứng nhận, khách hàng trong và ngoài tỉnh đến tìm mua nhiều hơn. Ông Phạm Xuân Luận, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã An Thanh chia sẻ, sau khi được chứng nhận OCOP, nhiều khách hàng đã tin tưởng sản phẩm rươi của hợp tác xã hơn vì biết rõ nguồn gốc xuất xứ, quy trình sản xuất.
Nhiều phẩm này ngày càng khẳng định được thương hiệu và vị thế trên thị trường. |
Cũng trong năm 2019, sản phẩm cải bắp của Hợp tác xã Tân Minh Đức (huyện Gia Lộc) đã được UBND tỉnh Hải Dương chứng nhận đạt 4 sao. Chứng nhận này đã giúp cải bắp của Hợp tác xã tiêu thụ thuận lợi hơn trong các siêu thị, cửa hàng tiện ích... Năm nay, hợp tác xã đã chủ động hoàn thiện hồ sơ OCOP cho sản phẩm dưa thơm vân lưới.
Ông Hoàng Anh Thư, Phó Giám đốc Hợp tác xã Tân Minh Đức cho biết, chương trình OCOP là đòn bẩy để thúc đẩy các hợp tác xã nông nghiệp nói chung và Hợp tác xã Tân Minh Đức nói riêng đầu tư cho sản phẩm lợi thế. Với những chính sách ưu đãi, hỗ trợ, OCOP đã trao thêm cơ hội cho các hợp tác xã để có thể thay đổi cả về chất và lượng.
Thực hiện chương trình OCOP, tỉnh Hải Dương đặt mục tiêu phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Từ đó, góp phần cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế khu vực nông thôn bền vững. Đây cũng là giải pháp để thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí kinh tế, tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của địa phương.
Nhiều phẩm này ngày càng khẳng định được thương hiệu và vị thế trên thị trường. |
Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương cho biết, xây dựng sản phẩm OCOP là cần thiết, xuất phát từ nhu cầu sản xuất, kinh doanh của từng địa phương. Hải Dương phát triển đa dạng các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề với nhiều sản phẩm thế mạnh. Vì thế, chương trình OCOP sẽ tạo động lực giúp các địa phương phát triển, củng cố sản phẩm lợi thế theo chiều sâu. Thông qua đó tạo dấu ấn riêng biệt cho từng vùng, từng khu vực.
Đây cũng là biện pháp hữu hiệu, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bằng nguồn lực tại chỗ, góp phần tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu hiện nay.