Sự kiện diễn ra với sự có mặt của hơn 100 đại biểu của các sở, ngành, Hiệp hội du lịch tỉnh; doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, nhà hàng; các Ban quản lý di tích, khu, điểm du lịch, Phòng văn hóa và thông tin 12 huyện, thị xã, thành phố; các cơ sở đào tạo nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh...
Quang cảnh buổi tọa đàm. |
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Hải Dương Nguyễn Minh Xô cho biết, du lịch được xác định là một trong những ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mang lại nguồn thu ngân sách, thu hút vốn đầu tư, có tác động lan tỏa mạnh đối với các ngành kinh tế liên quan, góp phần phát huy và bảo tồn các di sản văn hóa, các di sản thiên nhiên và quảng bá hình ảnh du lịch Hải Dương với du khách trong nước và quốc tế.
Năm 2022, cùng với ngành du lịch cả nước, du lịch Hải Dương được mở cửa trở lại trong điều kiện bình thường mới và đạt được nhiều kết quả, đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội toàn tỉnh.
Theo ông Nguyễn Minh Xô, để triển khai thực hiện nhiệm vụ hiệu quả cần sự chung tay, phối hợp chặt chẽ, sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và doanh nghiệp. Đồng thời, trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, cần phối hợp triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phát triển du lịch tỉnh Hải Dương.
Chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, thế mạnh
Tham luận tại tọa đàm, Phó Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc Nguyễn Văn Cường cho hay, Côn Sơn - Kiếp Bạc là khu di sản nổi tiếng của đất nước, một vùng địa linh nhân kiệt gắn liền với thân thế, sự nghiệp của nhiều danh nhân kiệt xuất ở các triều đại; bao gồm hệ thống các di tích, danh lam thắng cảnh cổ kính, linh thiêng. Hàng năm, khu di tích có 2 kỳ lễ hội truyền thống là mùa Xuân và mùa Thu.
Khu di tích này nằm ở vị trí địa lý thuận lợi, cảnh quan thiên nhiên đẹp, giao thông thuận tiện, khu di tích có mối quan hệ tổng thể với các khu trung tâm du lịch tiêu biểu của tỉnh nên rất thuận tiện cho việc kết nối với các điểm du lịch khác trên địa bàn và khu vực.
Ông Hà Quang Thành, Trưởng Ban Quản lý di tích huyện Cẩm Giàng phát biểu. |
Trước đó, năm 2010, Côn Sơn - Kiếp Bạc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể khu di tích. Năm 2012, được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt và lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc được đưa vào danh mục là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Năm 2019, khu di tích được công nhận là khu du lịch cấp tỉnh. Một số nhà đầu tư như Doanh nghiệp Xuân Trường, Tập đoàn T&T, Tập đoàn Sun Group, Tập đoàn Dầu khí... cũng đã quan tâm, nghiên cứu đầu tư vào khu di tích, phát triển du lịch tại đây.
Bên cạnh đó, 3 tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Quảng Ninh đang tích cực hoàn thiện hồ sơ Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESSCO công nhận là Di sản thế giới…
Đến nay, Ban Quản lý di tích bước đầu xây dựng các gói dịch vụ, phục vụ du khách các hoạt động như thuyết minh, dâng hương; tham quan các di tích văn hóa lịch sử; tham gia các hoạt động du lịch lễ hội, văn hóa tâm linh; trải nghiệm, leo núi, cắm trại…
Đồng thời, xây dựng tuyến du lịch trong đó lấy Côn Sơn - Kiếp Bạc làm trung tâm, kết nối các điểm di tích tiêu biểu của thành phố Chí Linh như đền Chu Văn An - Bà chúa Sao Sa, đền Sinh - đền Hoá - chùa Thanh Mai... và các tour du lịch trong tỉnh như Khu di tích đền Cao An Phụ, Kính Chủ, Nhẫm Dương (Kinh Môn), Văn miếu Mao Điền, đền Xưa, chùa Giám (Cẩm Giàng), đền Tranh (Ninh Giang), đảo Cò (Thanh Miện)...
Xây dựng các mặt hàng lưu niệm, ẩm thực, ấn phẩm tuyên truyền, quảng bá di tích; trà sen Kiếp Bạc, trà cúc Côn Sơn, mật ong... các món ăn đặc sản như tôm, cá chép lưng gù, gà đồi Chí Linh... giới thiệu vải Thanh hà, bánh đậu xanh Hải Dương, na, nhãn, vải, cam Chí Linh... Tổng lượng khách đến với khu di tích mỗi năm đạt từ 1 - 1,2 triệu người…
Ông Nguyễn Văn Thư, Trưởng Ban Quản lý di tích thị xã Kinh Môn. |
Theo ông Nguyễn Văn Cường, Côn Sơn - Kiếp Bạc là một điểm đến sở hữu nhiều giá trị tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng. Tuy nhiên cho đến nay khu vực này vẫn chưa định hình và phát triển được những sản phẩm du lịch đặc thù.
Đồng thời còn bộc lộ rất nhiều hạn chế như các hoạt động dịch vụ tại đây còn mang tính nhỏ, lẻ, chưa quy mô. Sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, chủ yếu dựa trên cơ sở khai thác những tài nguyên sẵn có, chất lượng dịch vụ chưa cao. Sự liên kết du lịch giữa các khu điểm còn chưa chặt chẽ. Du khách đến lễ trong ngày là chính, chưa nhiều khách lưu trú ở lại qua đêm, thiếu các dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm…
Tham gia tọa đàm, bà Nguyễn Thị Huê, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hải Dương cho biết, bảo tàng tỉnh không chỉ là nơi lưu giữ vốn di sản văn hóa đồ sộ của tỉnh Hải Dương ngày nay - xứ Đông xưa mà đã trở thành “Địa chỉ đỏ” trong giáo dục lịch sử địa phương, “Điểm du lịch” giới thiệu, quảng bá, lan tỏa những giá trị lịch sử văn hóa, truyền thống tốt đẹp đến đông đảo người dân trong tỉnh, ngoài tỉnh và du khách quốc tế về mảnh đất, con người Hải Dương.
Bảo tàng tỉnh Hải Dương đang lưu giữ trên 50 triệu tài liệu, hiện vật, hình ảnh, trong đó có nhiều hiện vật và sưu tập hiện vật qúy như bảo vật quốc gia trống đồng Hữu Chung, sưu tập gốm Hiệp An thời Trần, sưu tập gốm Chu Đậu, Cù Lao Chàm; mộ cổ, súng thần công, xương động vật hóa thạch…
Nhằm thu hút và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, nhất là đối với các em học sinh khi tới tham quan Bảo tàng, từ năm 2017 Bảo tàng tỉnh đã nghiên cứu, phục dựng và đưa vào hoạt động trải nghiệm một số nghề thủ công truyền thống như làm gốm trên bàn xoay, làm cốm cổ truyền… và tổ chức các trò chơi dân gian như kéo co, bắt chạch trong chum, bịt mắt đánh trống, chơi ô ăn quan, chơi chuyền, nhảy bao bố...
Để tiếp tục đổi mới hoạt động, từ năm 2020 - 2022, Bảo tàng tỉnh đã tiếp tục nghiên cứu, tổ chức 5 hoạt động trải nghiệm mới như xay lúa, giã gạo; gói bánh chưng nhân dịp Tết Nguyên đán; làm bánh trôi, bánh chay nhân dịp tết mồng 3 tháng 3; gói bánh gai truyền thống; trang trí đèn ông sao nhân dịp Tết Trung thu... Các hoạt động trải nghiệm đã thu hút các thầy, cô giáo, phụ huynh, các em học sinh và du khách tham quan.
Với những kết quả được, ngày 18/01/2022, UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành quyết định công nhận Bảo tàng tỉnh Hải Dương là “Điểm du lịch” tỉnh.
Bà Hoàng Thị Thúy, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch quốc tế Dòng Chảy Việt phát biểu. |
Cũng theo Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hải Dương, mặc dù đã có nhiều cố gắng trong việc nâng cao chất lượng, nội dung hoạt động nhưng số lượng khách đến tham quan, nghiên cứu, học tập và trải nghiệm tại Bảo tàng chưa thực sự tương xứng và phần lớn mới dừng lại ở khách tham quan là học sinh (chiếm 80%).
Nguyên nhân do diện tích và không gian hạn chế; nguồn kinh phí cho hoạt động thấp; đội ngũ cán bộ phục vụ công tác trải nghiệm còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu khách tham quan; việc kết nối giữa Bảo tàng với các đơn vị làm du lịch chưa có hoặc có thì hết sức lỏng lẻo…
Cần đẩy mạnh liên kết, thu hút đầu tư
Trưởng Ban Quản lý di tích thị xã Kinh Môn Nguyễn Văn Thư cho biết, ngoài Quần thể di tích đền Cao An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương, còn có hang Chùa Mộ, động Hàm Long, Tâm Long, Đốc Tít, các trang vườn trại, làng nghề truyền thống… Khi du khách về với Kinh Môn ngoài việc được tham quan, thưởng ngoạn các điểm du lịch trên còn có thể thưởng thức các sản phẩm nông sản đặc sản như cốm, gạo nếp, xôi, rượu nếp cái hoa vàng, rượu An Sinh Vương, bánh giầy, thịt đà điểu, cam Thất Hùng, sắn dây, hành, tỏi…
Còn theo Trưởng Ban Quản lý di tích huyện Cẩm Giàng Hà Quang Thành, hiện trên địa bàn huyện đang lưu giữ được 255 di tích, trong đó có 203 di tích đã được kiểm kê, đăng ký, bảo vệ.
Huyện có 2 di tích quốc gia đặc biệt đó là Cụm di tích đền Xưa, chùa Giám, đền Bia phụng thờ Đại danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh và Văn miếu Mao Điền - nơi tôn vinh đạo học tỉnh Đông. Cùng với đó là 16 di tích quốc gia, và 13 di tích cấp tỉnh có giá trị lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu như đình Trạm Nội, đình Kim Đôi, đình Kim Quan, đình Thạch Lỗi, đình Phú Lộc, đình nghè Ngọc Lâu, nghè và chùa Giám... Ngoài ra, huyện Cẩm Giàng có số tiến sĩ nho học đứng thứ 3 trong tỉnh với 51 vị đại khoa ở nhiều loại hình khác nhau như đình, đền, chùa, miếu, nghè, văn miếu… và hơn 57 lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm.
Tuy nhiên, theo ông Hà Quang Thành, việc khai thác và phát huy giá trị về tiềm năng thế mạnh của địa phương để góp phần mang lại nguồn lực kinh tế cho huyện còn hạn chế và chưa phát huy một cách triệt để. Du lịch Cẩm Giàng nói riêng, Hải Dương nói chung cần phải đẩy mạnh và tăng cường hoạt động quảng bá, giới thiệu về giá trị lịch sử, văn hóa, tiềm năng, thế mạnh. Thường xuyên phối hợp giữa địa phương với các cơ quan có thẩm quyền, với Hiệp hội Du lịch và các doanh nghiệp du lịch để xây dựng sản phẩm và các tour, tuyến phù hợp…
Đại diện các doanh nghiệp tham dự tọa đàm cho rằng, Hải Dương cần thay đổi cách làm du lịch từ ngay từ khâu tiếp đón, thuyết minh, phục vụ… thân thiện, chuyên nghiệp hơn. Tại mỗi di tích cần có các câu chuyện thực sự hấp dẫn để lôi cuốn du khách, khi tổ chức lễ hội cần xây dựng chủ đề mang màu sắc khác biệt…
Bên cạnh đó, để phát triển du lịch Hải Dương không chỉ là việc đưa khách du lịch về tỉnh số lượng là bao nhiêu, như thế nào mà còn cần sự lan tỏa để mọi người biết đến du lịch ở đây có những cái gì và đặc sắc nào. Đồng thời, tỉnh cần đẩy mạnh liên kết, mời gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các di tích, danh thắng, điểm đến… cùng tham gia phát triển du lịch.
Tại sự kiện, Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, Ban Quản lý di tích thành phố Chí Linh, Ban Quản lý di tích huyện Cẩm Giàng, Ban Quản lý di tích thị xã Kinh Môn và Công ty TNHH Du lịch quốc tế Dòng Chảy Việt, Công ty TNHH Du lịch Xuyên Việt, Công ty TNHH Du lịch Thanh Lộc đã ký kết hợp tác phát triển du lịch. |
Để nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch, tăng cường sự liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch với các khu, điểm du lịch, Hiệp hội Du lịch và cơ quan quản lý nhà nước nhằm phát triển du lịch Hải Dương, theo Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương Vũ Đình Tiến, các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cần tiếp tục triển khai thực hiện Đề án "Phát triển du lịch chất lượng cao tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050".
Bên cạnh đó xây dựng chiến lược và đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá hình ảnh điểm đến du lịch Hải Dương gắn với các sự kiện, lễ hội lớn, bằng nhiều kênh truyền thông. Tổ chức các chương trình hội nghị, hội thảo về du lịch để các doanh nghiệp có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, trao đổi thông tin và liên kết hợp tác.
Tăng cường liên kết hợp tác với các tỉnh, thành phố trong các hoạt động du lịch; kêu gọi đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Đồng thời, kiến nghị, đề xuất với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh có các chính sách hỗ trợ ưu đãi đặc thù nhằm thu hút đầu tư về du lịch.
Đối với Hiệp hội Du lịch tỉnh Hải Dương, tạo điều kiện để các thành viên liên kết, hợp tác, cạnh tranh lành mạnh và tham gia tích cực, hiệu quả trong các hoạt động du lịch của Hiệp hội; tuyên truyền đến các thành viên chủ động liên kết để xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn đảm bảo chất lượng, uy tín nhằm kích cầu, thu hút khách du lịch.
Các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch cần thường xuyên liên hệ, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình hoạt động và tổ chức các sự kiện của tỉnh; cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ; chủ động xây dựng tour, tuyến các điểm đến cho du khách có sự hấp dẫn về giá, đa dạng về chương trình; đồng thời có chính sách hoàn, hủy, hoán đổi linh hoạt cho du khách…
6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh Hải Dương đón và phục vụ khoảng 919.667 lượt khách, tăng 2,4 lần so với cùng kỳ; trong đó có 895.906 khách nội địa (tăng 2,4 lần so với cùng kỳ), 23.761 lượt khách quốc tế (tăng 10,3 lần so với cùng kỳ). Doanh thu du lịch ước đạt 391,1 tỷ đồng, tăng 2,7 lần so với năm 2022.