Ngày 2/8 Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Cẩm Giàng tổ chức Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm tham gia chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) năm 2024 (đợt 1). Ông Nguyễn Văn Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng, Chủ tịch Hội đồng chủ trì hội nghị.
Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm tham gia chương trình “mỗi xã một sản phẩm” huyện Cẩm Giàng năm 2024 (đợt 1). |
Tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Cẩm Giàng lần này có 9 sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm thực phẩm và sản phẩm đồ uống. Trong đó, sản phẩm thực phẩm có trứng gà Đoàn Mây của Hộ kinh doanh Phạm Thị Mây ở thôn Kim Đôi, xã Cẩm Hoàng; nho Thành Đông của Hộ kinh doanh Bùi Mạnh Cường ở thôn Cẩm Ngọc, xã Ngọc Liên.
7 sản phẩm đồ uống gồm rượu nếp Phú Lộc trắng, rượu ngâm táo mèo, rượu ngâm táo Hà Lan, rượu ngâm mơ, rượu ngâm đông trùng hạ thảo, rượu ngâm nếp cẩm và rượu ngâm ba kích của Công ty TNHH rượu Phú Lộc ở xã Cẩm Vũ.
Sản phẩm trứng gà Đoàn Mây của Hộ kinh doanh Phạm Thị Mây ở thôn Kim Đôi, xã Cẩm Hoàng. |
Theo đánh giá của Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Cẩm Giàng, sản phẩm trứng gà Đoàn Mây, sản phẩm nho Thành Đông đều đạt tiêu chuẩn 3 sao; các sản phẩm của Công ty TNHH rượu Phú Lộc đạt trên 70 điểm, đạt tiêu chuẩn 4 sao. Cơ quan chuyên môn của huyện sẽ hướng dẫn chủ thể các sản phẩm rượu Phú Lộc hoàn thiện hồ sơ trình cấp tỉnh đánh giá công nhận sản phẩm 4 sao.
Sản phẩm nho Thành Đông của Hộ kinh doanh Bùi Mạnh Cường ở thôn Cẩm Ngọc, xã Ngọc Liên. |
Đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Giàng cho biết, đến hết năm 2023, Cẩm Giàng có 26 sản phẩm đã tham gia chương trình OCOP, trong đó có 4 sản phẩm đạt 4 sao, 22 sản phẩm 3 sao. Đến thời điểm này, huyện Cẩm Giàng có 35 sản phẩm đạt chuẩn OCOP trong đó có 4 sản phẩm đã đạt 4 sao, 7 sản phẩm đang chờ tỉnh đánh giá, công nhận đạt 4 sao.
Sản phẩm đồ uống của Công ty TNHH rượu Phú Lộc ở xã Cẩm Vũ. |
Theo kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm huyện Cẩm Giàng giai đoạn 2023 - 2025, huyện sẽ củng cố và nâng cấp khoảng 25% sản phẩm OCOP, ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm; 25% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định.
Bên cạnh đó, ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển sản phẩm và nâng cao chất lượng sản phẩm, trong đó quan tâm hỗ trợ cải tiến mẫu mã, bao bì, tem, nhãn mác, hướng tới hình thành các sản phẩm thương hiệu cấp tỉnh, cấp quốc gia…
Thành viên Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Cẩm Giàng kiểm tra sản phẩm. |
Huyện Cẩm Giàng cũng sẽ phát triển các sản phẩm trồng trọt theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap; các sản phẩm chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGap và An toàn dịch bệnh động vật; sản phẩm thủy sản theo tiêu chuẩn VietGap.
Đồng thời, phát triển theo 6 nhóm sản phẩm gắn với giá trị văn hóa địa phương, lợi thế của địa phương (sản phẩm chủ lực, sản phẩm làng nghề...) và dịch vụ du lịch cộng đồng…