Hai gam màu sáng tối trong bức tranh lợi nhuận ngành ngân hàng 2022

NGÂN HÀNG Việt nAM
14:47 - 05/02/2023
0:00 / 0:00
0:00

Bức tranh lợi nhuận vừa hé lộ, hàng loạt ngân hàng báo lãi vượt 20.000 tỷ đồng. Song, điểm chung của hầu hết các ngân hàng là mảng đầu tư chứng khoán kinh doanh và đầu tư đều thua lỗ, sụt giảm.

Theo thống kê của Mekong ASEAN từ báo cáo tài chính vừa được các ngân hàng công bố, năm 2022, Vietcombank tiếp tục dẫn đầu về lợi nhuận toàn ngành với 37.359 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng gần 36% so với năm trước. Động lực chính thúc đẩy lợi nhuận ngân hàng đến từ thu nhập lãi thuần tăng gần 11.000 tỷ đồng và giảm chi phí dự phòng rủi ro hơn 2.000 tỷ đồng.

Hai ngân hàng quốc doanh còn lại là BIDV cũng ghi nhận lợi nhuận khả quan. Trong đó, BIDV với gần 23.058 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, đứng vị trí thứ ba toàn hệ thống và là ngân hàng có lợi nhuận tăng trưởng mạnh nhất trong khối ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước (tăng hơn 70%). VietinBank cũng đạt tới 21.113 tỷ đồng lãi trước thuế, đứng ở vị trí thứ 6 toàn hệ thống, tăng trưởng khoảng 22% so cùng kỳ.

Agribank dù chưa công bố kết quả kinh doanh nhưng được dự đoán cũng sẽ có lợi nhuận vượt 20.000 tỷ đồng trong năm 2022.

Ở khối ngoài quốc doanh, Techcombank là ngân hàng dẫn đầu và đứng thứ hai toàn hệ thống với lãi hợp nhất trước thuế đạt xấp xỉ 25.600 tỷ đồng dù chưa đạt so với kế hoạch đề ra hồi đầu năm là 27.000 tỷ đồng.

Vị trí thứ tư toàn hệ thống và thứ hai trong các ngân hàng thương mại cổ phần thuộc về MB với 22.729 tỷ đồng lãi trước thuế. Trong khi đó, VPBank đứng thứ năm toàn hệ thống, thứ ba khối cổ phần với 21.219 tỷ đồng.

Ở top dưới, vị trí tiếp theo là ACB với 17.022 tỷ đồng; VIB với 10.581 tỷ đồng; HDBank với 10.268 tỷ đồng.

Xét về tăng trưởng, Eximbank là ngân hàng có mức lợi nhuận tăng mạnh nhất so với năm 2021, tăng đến 208%. Theo sau là BIDV với 70%, LienVietPostBank với 56%, SeABank với 55%, SHB; PGBank; Saigonbank với 54%, VPBank với 48%, Vietcapital Bank với 46%...

Trong khi đó, 4 ngân hàng ghi nhận lợi nhuận giảm so với năm ngoái là Kienlongbank, NCB, OCB và ABBank. Theo đó, ngân hàng có mức lợi nhuận giảm mạnh nhất hệ thống là KienlongBank, giảm 32% so với năm 2021.

Cho vay khách hàng tăng trưởng khả quan 'kéo' lợi nhuận ngành

Năm 2022, nhiều ngân hàng ghi nhận tín dụng tăng trưởng mạnh nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây. Đây là một trong những yếu tố quan trọng góp vào mảng sáng bức tranh lợi nhuận của ngành ngân hàng năm 2022.

Theo báo cáo tài chính vừa được 28 ngân hàng công bố, tính đến cuối quý IV/2022 các ngân hàng đang cho khách hàng vay 8,56 triệu tỷ đồng, tăng gần 16% so với đầu năm.

Trong đó, BIDV, Vietcombank, VietinBank vẫn đang đứng đầu bảng xếp hạng với lượng cho vay khách hàng đạt hơn 3,94 triệu tỷ, tăng 14,4% so với đầu năm.

Với khối lượng cho vay khách hàng 1,52 triệu tỷ, tăng hơn 12,37% so với đầu năm,BIDV đang là đơn vị cho vay lớn nhất trong số 28 nhà băng.

VietinBank theo sau với khối lượng cho vay khách hàng gần 1,28 triệu tỷ đồng, tăng 12,75% so với đầu năm.

Vietcombank đứng vị trí thứ ba, với số dư cho vay khách hàng tính đến cuối năm là gần 1,15 triệu tỷ, tăng 19,18% so với đầu năm. Đáng chú ý, đây cũng là năm đầu tiên ngân hàng ghi nhận chỉ tiêu này vượt mốc 1 triệu tỷ đồng.

Dẫn đầu khối tư nhân là MB, tính đến cuối 2022, ngân hàng này đã cho vay ít nhất 460,57 nghìn tỷ, tăng 26,69% so với đầu năm. Theo sau là Sacombank, với khối lượng cho vay khách hàng đạt hơn 438,62 nghìn tỷ, tăng 13,07% so với đầu năm.

5 ngân hàng còn lại trên bảng xếp hạng 10 ngân hàng có khối lượng cho vay khách hàng lớn nhất là VPBank (438,34 nghìn tỷ); Techcombank (420,52 nghìn tỷ); ACB (413,71 nghìn tỷ); SHB (385,63 nghìn tỷ); HDBank (263,86 nghìn tỷ).

Xét về tăng trưởng, số liệu từ báo cáo tài chính cũng cho thấy, có hơn một nửa ngân hàng được khảo sát có tăng trưởng khối lượng cho vay khách hàng hơn 15% và 7 nhà băng ghi nhận con số này trên 20%, cao hơn so với mặt bằng chung nhiều năm trở lại đây.

Trong đó, ngân hàng đang có tốc độ tăng trưởng khối lượng cho vay khách hàng nhanh nhất trong năm 2022 là BaoVietBank với 33,19 nghìn tỷ, tăng 31,53% so với đầu năm, gần gấp 2 lần tốc độ tăng trưởng bình quân của 28 ngân hàng.

HDBank thứ hai với khối lượng cho vay khách hàng đã tăng từ 203,21 nghìn tỷ lên 263,86 nghìn tỷ vào cuối năm 2022, tương ứng mức tăng 29,84%/năm.

MB và VietBank cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng số dư cho vay khách hàng trên 25% trong năm vừa qua, lần lượt là 26,69% và 25,93%.

Các ngân hàng còn lại trong danh sách có tăng trưởng số dư cho vay khách hàng trên 20% là VPBank (23,38%); Techcombank (21,07%); SeABank (20,67%).

Thua lỗ nặng mảng kinh doanh chứng khoán

Một cách tổng thể, bức tranh lợi nhuận ngân hàng năm 2022 có nhiều điểm sáng. Song, nhìn vào cơ cấu doanh thu, hầu hết mảng đầu tư chứng khoán kinh doanh và đầu tư đều thua lỗ, sụt giảm.

Tại các ngân hàng quốc doanh, VietinBank lỗ lớn nhất từ mảng chứng khoán đầu tư và kinh doanh, với mức lỗ lên tới 126 tỷ đồng, trong khi năm 2021 lãi 720 tỷ đồng.

Vietcombank cũng ghi nhận lỗ 83 tỷ đồng từ mảng này, giảm 20% so với năm 2021. Trong khi, BIDV đạt lãi thuần từ mua bán chứng khoán kinh doanh và đầu tư là 227 tỷ đồng, giảm 71% so với năm trước.

Tại khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh của Techcombank lỗ 241 tỷ đồng, thay vì lãi 152 tỷ đồng như năm trước; lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư cũng giảm tới 76,4%, về còn 425 tỷ đồng.

Trong khi đó, tại SHB, lãi thuần từ chứng khoán đầu tư là 144 tỷ đồng, giảm 85%; lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác là 861 tỷ đồng, giảm 19% so với cuối năm 2021. ACB ghi nhận 388 tỷ đồng khoản lỗ từ mua bán chứng khoán kinh doanh, cùng kỳ lãi 450 tỷ đồng và chỉ vỏn vẹn 20,6 tỷ đồng lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư, giảm 91,5%. VIB cũng ghi nhận lỗ 176 tỷ đồng từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư trong khi cùng kỳ lãi 197 tỷ đồng.

Ngành ngân hàng thấy "cơ trong nguy" năm 2023

Đưa ra những nhận định khá thận trọng về bức tranh ngành Ngân hàng năm 2023 tại báo cáo vừa công bố, CTCP Chứng khoán VNDirect cho rằng "sóng gió vẫn tiếp diễn".

Theo đó, việc Ngân hàng Nhà nước tăng mạnh 200 điểm cơ bản lãi suất điều hành sẽ tác động tiêu cực đến biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng khi chi phí vốn tăng và lãi suất cho vay khó có thể theo kịp.

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục khó khăn sẽ tác động xấu lên chất lượng tài sản cũng như tình hình thanh khoản của các ngân hàng. Ngoài ra, câu chuyện tăng vốn sẽ lại là một chủ đề đáng chú ý trong năm tới, đặc biệt là các ngân hàng quốc doanh.

Nhìn chung, dự báo tăng trưởng lợi nhuận của ngành này sẽ chậm lại và đạt 10-12% so với cùng kỳ trong năm 2023-2024 (từ mức 32% so với cùng kỳ năm 2022), khi tăng trưởng tín dụng chậm lại, biên lãi ròng thu hẹp và chi phí tín dụng tăng.

Tuy vậy, dù giữ quan điểm thận trọng đối với ngành ngân hàng trong nửa đầu năm 2023, nhưng VNDirect cho rằng sang nửa cuối năm tình hình sẽ trở nên khả quan hơn khi rủi ro lãi suất và căng thẳng tỷ giá được dịu bớt, vấn đề căng thẳng thanh khoản cũng được giải quyết phần nào nhờ Chính phủ đẩy mạnh các gói đầu tư công.

Đồng quan điểm, Chứng khoán Yuanta cũng đánh giá ngành ngân hàng vẫn có triển vọng, tuy nhiên môi trường lãi suất cao vẫn là thách thức lớn cho tăng trưởng của ngành này, cùng với đó là rủi ro nợ xấu và tình hình thanh khoản của các doanh nghiệp.

Đọc tiếp

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của LPB. Ảnh minh họa: Minh Phong - MekongASEAN

Cổ phiếu LPB đạt đỉnh lịch sử

Thị trường chứng khoán vừa chứng kiến thêm một phiên giảm điểm mạnh. Chốt phiên 17/4, chỉ số VN-Index giảm gần 23 điểm về còn 1.193 điểm, lần đầu mất mốc 1.200 điểm kể từ đầu tháng 2/2024.
Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Chiều nay 17/4, theo kế hoạch, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng miếng trở lại sau 11 năm gián đoạn, một động thái được giới chuyên gia đánh giá là giải pháp cấp bách ngắn hạn để gia tăng nguồn cung cho thị trường và góp phần hạ nhiệt thị trường.
Vietbank chuẩn bị tăng vốn điều lệ sau 3 năm

Vietbank chuẩn bị tăng vốn điều lệ sau 3 năm

Theo tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024 tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank, mã: VBB), HĐQT ngân hàng này dự kiến trình cổ đông kế hoạch kinh doanh, tăng vốn điều lệ, chia cổ tức và tiếp tục niêm yết lên sàn HOSE.