Đại hội đồng cổ đông bất thường lần 1 năm 2023 của Hải Phát. Ảnh: Kiều Chinh |
Ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông có quyền dự họp ĐHĐCĐ là 19/9, thời gian tổ chức cuộc họp dự kiến vào ngày 21/10. Nội dung cuộc họp sẽ xoay quanh các nội dung thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ theo quy định.
Hải Phát lên kế hoạch tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 chỉ ít ngày sau khi công bố báo cáo tài chính riêng năm 2022 đã được kiểm toán. Theo ý kiến của kiểm toán viên, báo cáo tài chính riêng kèm theo của HPX đã phản ánh trung thực và hợp lý tình hình hoạt động tài chính của công ty, đồng thời đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần.
Vào ngày 29/8 vừa qua, công ty này cũng công bố báo cáo tài chính riêng của quý 1 và quý 2/2023. Theo đó, trong quý 2/2023, Hải Phát ghi nhận doanh thu riêng 624,5 tỷ đồng, tăng 44,3% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, với việc giá vốn hàng bán tăng vọt lên 467 tỷ đồng, lợi nhuận gộp của Hải Phát giảm 41,6% về còn 157,2 tỷ đồng.
Trong kỳ, công ty ghi nhận doanh thu tài chính giảm gần 5 tỷ đồng về còn 9,45 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, chi phí tài chính của HPX giảm mạnh từ 147 tỷ đồng về còn 40 tỷ đồng, chủ yếu do giảm chi phí lãi vay.
Khấu trừ thuế phí, Hải Phát báo lãi sau thuế 84,3 tỷ đồng, không có nhiều thay đổi so với cùng kỳ năm 2022, tuy nhiên vẫn cao hơn nhiều khoản lỗ 33,1 tỷ đồng của quý 1/2023 và khoản lãi 7,8 tỷ đồng của quý 4/2022.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của HPX tăng gấp rưỡi cùng kỳ lên 667,5 tỷ đồng. Dù vậy, lợi nhuận sau thuế của công ty vẫn giảm 48% về còn hơn 51 tỷ đồng.
Tính đến ngày 30/6/2023, tổng tài sản của Hải Phát giảm 4,3% so với thời điểm đầu năm về còn 9.205 tỷ đồng, với 3.947 tỷ đồng tài sản ngắn hạn và 5.258 tỷ đồng tài sản dài hạn. Chiếm phần lớn cơ cấu tài sản của HPX là 2.614 tỷ đồng hàng tồn kho, 1.184 tỷ đồng các khoản phải thu ngắn hạn, 3.903 tỷ đồng đầu tư vào công ty con, công ty liên kết và các đơn vị khác.