Thiệt hại do các cuộc tấn công của lực lượng Israel vào khu dân cư Juhor ad-Dik ở phía đông nam Dải Gaza. Ảnh: Anadolu |
Theo hãng tin AP trích dẫn 2 quan chức giấu tên, thỏa thuận theo từng giai đoạn của Mỹ sẽ bắt đầu bằng một lệnh ngừng bắn “đầy đủ và hoàn chỉnh” kéo dài 6 tuần, trong đó các con tin lớn tuổi, ốm yếu và phụ nữ sẽ được thả để đổi lấy hàng trăm tù nhân Palestine. Các quan chức cho biết, trong 42 ngày đó, lực lượng Israel sẽ rút khỏi các khu vực đông dân cư ở Gaza và cho phép những người di tản trở về nhà của mình ở phía bắc dải đất này.
Trong thời gian đó, Hamas, Israel và các nhà hòa giải sẽ đàm phán các điều khoản của giai đoạn thứ 2 nhằm thả những con tin là đàn ông vẫn còn sót lại, trong đó bao gồm cả dân thường và binh lính. Đổi lại, Israel sẽ trả tự do cho nhiều tù nhân và người bị giam giữ là người Palestine hơn. Giai đoạn thứ 3 sẽ bao gồm việc trao trả những con tin còn lại, bao gồm cả thi thể của những người đã thiệt mạng và bắt đầu một dự án tái thiết kéo dài nhiều năm.
Hai quan chức giấu tên cho biết Hamas vẫn muốn có sự đảm bảo bằng văn bản từ các nhà hòa giải rằng Israel sẽ tiếp tục đàm phán một thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn sau khi giai đoạn đầu tiên có hiệu lực.
Nếu được thông qua, 2 nguồn tin cho biết thỏa thuận ngừng bắn sẽ cho phép khoảng 600 xe tải viện trợ nhân đạo vào Gaza hàng ngày, với một nửa trong số đó sẽ đến khu vực phía bắc bị ảnh hưởng nặng nề. Kể từ khi Israel tấn công thành phố Rafah ở cực nam, nguồn viện trợ vào Gaza đã giảm xuống mức nhỏ giọt.
Chấp thuận của lực lượng Hamas được đưa ra trong bối cảnh nhóm này nhận được “những cam kết và bảo đảm bằng lời nói” từ các nhà hòa giải rằng xung đột sẽ không tái diễn và các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục cho đến khi đạt được lệnh ngừng bắn vĩnh viễn. Quan chức Hamas giấu tên khẳng định: “Hiện chúng tôi muốn những đảm bảo này bằng văn bản chính thức”.
Kể từ lệnh ngừng bắn tạm thời vào tháng 11/2023, các cuộc đàm phán kéo dài nhiều tháng sau đó giữa Israel và Hamas đều không ghi nhận tiến triển đáng kể do cả hai phía vẫn còn tồn tại bất đồng trong một số vấn đề. Trong khi Hamas yêu cầu rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải bao gồm việc chấm dứt hoàn toàn chiến tranh, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chỉ đề nghị tạm dừng giao tranh nhưng không kết thúc hoàn toàn cho đến khi Israel đạt được mục tiêu tiêu diệt Hamas cũng như trao trả tất cả con tin bị nhóm phiến quân bắt giữ.
Nguyên nhân do Hamas bày tỏ lo ngại rằng Israel sẽ tái khởi động giao tranh sau khi các con tin được thả trong khi các quan chức Israel lo ngại Hamas sẽ kéo dài các cuộc đàm phán và lệnh ngừng bắn ban đầu vô thời hạn mà không thả tất cả con tin.
Lực lượng Hamas cũng như Văn phòng Thủ tướng Israel và chính phủ Mỹ chưa có phản hồi chính thức tới các thông tin được đưa ra trên. Trong một tuyên bố ngày 5/7, ông Netanyahu xác nhận rằng người đứng đầu cơ quan tình báo Mossad đã có chuyến thăm chớp nhoáng tới Qatar, một nhà hòa giải chủ chốt, nhưng văn phòng của ông cho biết vẫn còn “những khoảng cách giữa các bên”.
Israel chính thức phát động xung đột tại Gaza sau khi các tay súng của lực lượng này tấn công khu vực miền nam Israel, khiến khoảng 1.200 người chủ yếu là dân thường thiệt mạng và bắt giữ 250 con tin. Thông tin do chính phủ Israel cung cấp cho biết Hamas vẫn đang giam giữ khoảng 120 con tin và khoảng 30% trong số này được cho là đã thiệt mạng.
Kể từ khi giao tranh nổ ra, các cuộc tấn công trên không và trên bộ của Israel đã khiến hơn 38.000 người ở Gaza thiệt mạng, theo Bộ Y tế của vùng lãnh thổ này. Các cuộc tấn công còn gây ra sự tàn phá trên diện rộng và một cuộc khủng hoảng nhân đạo khiến hàng trăm nghìn người đứng trước bờ vực nạn đói.