Đống đổ nát sót lại do giao tranh tại Deir Al Balah, Gaza. Ảnh: Getty Images |
Theo hãng tin AP dẫn lời quan chức cấp cao Hamas Khalil al-Hayya ngày 27/4, các đề xuất này của Israel là nhằm đáp lại đề xuất của lực lượng Hamas được đưa ra khoảng 2 tuần trước. Tuy nhiên, ông không đưa ra chi tiết cụ thể về các đề xuất của Israel.
Tuyên bố của ông al-Hayya được đưa ra vài giờ sau khi phái đoàn Ai Cập kết thúc chuyến thăm Israel, nơi các nhà đàm phán tiến hành các cuộc thảo luận về "tầm nhìn mới" liên quan tới một lệnh ngừng bắn kéo dài ở Gaza. Tính tới hiện tại, các nỗ lực hòa giải đang nhắm tới việc đáp ứng hầu hết yêu cầu chính của cả hai bên Israel và Hamas, từ đó mở đường cho việc tiếp tục đàm phám chấm dứt xung đột lâu dài.
Theo một quan chức giấu tên của Ai Cập, các cuộc thảo luận chủ yếu xoay quanh giai đoạn đầu của kế hoạch ngừng bắn kéo dài 6 tuần, trong đó Hamas sẽ trao đổi 40 con tin để đổi lấy các tù nhân Palestine đang bị giam giữ tại các nhà tù của Israel. Ngoài ra, các cuộc thảo luận còn xoay quanh việc đưa một số lượng đáng kể người Palestine phải di tản về nhà của mình ở phía bắc Gaza mà không gặp phải bất kỳ hạn chế đáng kể nào.
Kể từ tháng 11/2023 khi lệnh ngừng bắn kéo dài một tuần đã giúp hơn 100 con tin được thả để đổi lấy hàng ngàn tù nhân Palestine bị giam giữ ở các nhà tù tại Israel, các cuộc thảo luận ngừng bắn giữa Israel và Hamas vẫn đang tiến triển vô cùng chậm chạp.
Israel cho biết sẽ tiếp tục các hoạt động quân sự cho đến khi Hamas bị đánh bại hoàn toàn, trong đó bao gồm chiến dịch tấn công vào thành phố Rafah – nơi nước này khẳng định vẫn còn nhiều chiến binh Hamas đang ẩn náu - và sau đó sẽ duy trì sự hiện diện an ninh ở Gaza kể cả khi xung đột kết thúc.
Tuy nhiên, Hamas từng nhiều lần tuyên bố sẽ không lùi bước và sẽ tiếp tục thúc đẩy các yêu cầu ngừng bắn vĩnh viễn và rút quân hoàn toàn của Israel. Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin AP ngày 24/4 tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ông Khalil al-Hayya tuyên bố lực lượng này sẵn sàng đồng ý đình chiến, buông vũ khí và chuyển đổi thành một đảng chính trị nếu một Nhà nước Palestine độc lập được thành lập.
Nếu điều này xảy ra, cánh quân sự của nhóm sẽ giải tán. Tuyên bố này của ông chưa nhận được phản hồi từ phía chính phủ Israel hay Chính quyền Palestine (PA) – chính phủ tự trị được quốc tế công nhận. PA vẫn luôn bày tỏ hy vọng thành lập một nhà nước độc lập ở Bờ Tây, phía đông Jerusalem và Gaza - những khu vực bị Israel chiếm giữ trong cuộc chiến Trung Đông năm 1967.
Bất chấp sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, chính phủ theo đường lối cứng rắn của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vẫn luôn bác bỏ giải pháp này khi cho rằng việc này sẽ tương đương với một “phần thưởng cho chủ nghĩa khủng bố". Ngày 21/2, Quốc hội Israel (Knesset) bỏ phiếu thông qua quyết định phản đối các nỗ lực quốc tế đơn phương công nhận sự ra đời của Nhà nước Palestine độc lập.