Ảnh: Getty Images |
Dựa trên các nghiên cứu trước đây về hiệu quả của vaccine trong việc chống lại lây nhiễm tại Anh và Chile, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng hiệu quả cơ bản chống lại lây nhiễm, chống lại bệnh có triệu chứng và chống lại tử vong của vaccine lần lượt ở mức 30%, 68,3% và 86%.
Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí hàng tuần của China CDC – nơi đưa tin tức của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, ngay cả khi tỷ lệ tiêm phòng đạt 95% thì việc cho phép di chuyển xuyên vùng vẫn có khả năng cao dẫn đến 234,2 triệu ca nhiễm và 2 triệu ca tử vong trong vòng một năm ở những vùng không bị ảnh hưởng.
Báo cáo này nhấn mạnh dù vaccine có hiệu quả đến đâu, nó cũng không thể loại bỏ hoàn toàn dịch bệnh tại các khu vực không có Covid – những khu vực có cam kết quốc gia mạnh mẽ về việc ngăn chặn sự lây truyền dịch bệnh như Trung Quốc.
Do đó, nghiên cứu cho biết các biện pháp can thiệp không dùng thuốc như hạn chế đi lại và phong tỏa nên được tiếp tục để tránh sự gia tăng trở lại của Covid-19 trong cộng đồng. Dưới bất cứ trường hợp nào, việc khôi phục lại di chuyển quốc tế nên được xem xét một cách thận trọng để tránh bùng phát dịch trong nước.
Cũng theo nghiên cứu trên, chìa khóa của việc kiểm soát đại dịch Covid-19 nằm ở việc phát triển và sử dụng rộng rãi vaccine. Tuy nhiên, loại vaccine này sẽ tập trung vào việc ngăn ngừa nhiễm bệnh hơn. Để giảm tỷ lệ mắc Covid-19 hàng năm xuống mức ngang với bệnh cúm mùa, hiệu quả của vaccine chống lại lây nhiễm và bệnh có triệu chứng cần được tăng lên không dưới ngưỡng 40% và 90%.
Do đó, các quốc gia nên tiếp tục với công tác phát triển vaccine. Đồng thời, việc khám phá ra những cách mới để cải thiện khả năng bảo vệ của vaccine trước sự lây nhiễm là rất quan trọng trong việc chấm dứt đại dịch trên phạm vi toàn cầu. Nếu mục tiêu của thế giới là khôi phục việc đi lại như mức trước đại dịch vào năm 2019, mức độ bảo vệ cao hơn của vaccine là không thể thiếu, đặc biệt là trước biến thể có khả năng lây nhiễm cao như Omicron.
Theo Yanzhong Huang, một nhà khoa học cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại tại New York, sự lây lan của biến thể Omicron sẽ làm suy yếu thành công của Trung Quốc trong việc đối phó với dịch bệnh và ảnh hưởng tới nỗ lực thể hiện mình là một nhà lãnh đạo y tế toàn cầu của quốc gia này.
Nhằm thực thi chính sách zero-Covid, Trung Quốc đã sử dụng nhiều biện pháp nghiêm ngặt bao gồm đóng cửa biên giới và phong tỏa. Việc triển khai phòng dịch càng gấp rút hơn bao giờ hết, đặc biệt khi quốc gia này đang cố gắng khống chế biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao trong khi đăng cai tổ chức Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh. Hôm 6/2, trên cả nước đã phát hiện tổng cộng 45 trường hợp nhiễm Covid-19, gia tăng từ mức 9 ca nhiễm vào tuần trước trong suốt kỳ nghỉ Tết.
Liang Wannian, cố vấn hàng đầu của chính phủ về virus corona trả lời phỏng vấn với Phoenix Television rằng việc Trung Quốc tiếp tục chính sách zero-Covid thông qua các biện pháp can thiệp kịp thời và dứt khoát là bắt buộc. Tuy nhiên, ông Liang cũng cho biết chính sách này không thể tồn tại vĩnh viễn. Thay vào đó, việc thực thi nó cần dựa trên sự thay đổi của dịch bệnh.
Hiện hầu hết các quốc gia đều đã quyết định chung sống với dịch bệnh nhằm phục hồi kinh tế và trở về cuộc sống thường nhật. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách zero-Covid tuyệt đối để không bỏ sót dù chỉ 1 ca nhiễm. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều câu hỏi được đặt ra với chính sách này do chi phí kinh tế và xã hội cao cũng như sự không chắc chắn trong tính bền vững của nó.