Phiên thảo luận của Diễn đàn xoay quanh vấn đề cơ hội hợp tác, thách thức của hàng hóa Việt tại thị trường Á - Âu cũng như các giải pháp cho doanh nghiệp. Ảnh: Lê Hồng Nhung |
Tiếp nối thành công của Diễn đàn năm 2022, ngày 24/11, tại Hà Nội, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ phối hợp tổ chức “Diễn đàn thương mại Việt Nam – Á Âu” với chủ đề “Thích ứng bối cảnh – khai phá tiềm năng”.
Tại sự kiện, ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương nhận định, khu vực Á – Âu (Eurasia) là thị trường truyền thống của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu tiềm năng với rất nhiều dư địa hợp tác. Đây là liên khu vực rộng lớn gồm 28 nước, trải dài từ Đông Âu sang Trung Á, với tổng dân số hơn 400 triệu người và tổng GDP gần 4.500 tỷ USD. Thị trường này là khu vực rất giàu tài nguyên khoáng sản đặc biệt là dầu mỏ, khí đốt, kim loại màu, than đá, ngũ cốc...
Về hợp tác thương mại, theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, 9 tháng đầu năm 2023, Việt Nam – Eurasia đạt 9 tỷ USD, giảm 6,5% so với cùng kỳ năm 2022 (xuất khẩu hàng hóa Việt sang khu vực đạt 6,3 tỷ USD, giảm 1,2%; nhập khẩu từ khu vực đạt 2,7 tỷ USD, giảm 19%).
Ông Linh cho rằng, mặc dù giao thương hàng hóa giữa hai bên bị sụt giảm trong thời gian vừa qua, khu vực Á Âu vẫn là một thị trường tiềm năng đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu sang khu vực Á Âu hiện mới chỉ chiếm khoảng 2,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và khoảng 0,4% tổng kim ngạch nhập khẩu. Các dự án đầu tư từ khu vực Á Âu hiện chỉ chiếm khoảng 0,3% trong tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam.
Giữa hai bên đã hình thành các thiết chế, khung khổ vững chắc làm nền tảng cho sự phát triển hợp tác song phương, bao gồm VN-EAEU, EVFTA, EVIPA; 14 Ủy ban Hỗn hợp/ Ủy ban liên Chính phủ và một cơ chế Tham vấn hợp tác kinh tế song phương.
“Những cơ chế hợp tác nêu trên đã và đang được triển khai hiệu quả, làm cơ sở vững chắc để doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp các nước Á Âu tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, thương mại và đầu tư”, Vụ trưởng Tạ Hoàng Linh đánh giá.
Khu vực Á Âu cũng là khu vực có đông cộng đồng người Việt Nam làm ăn, sinh sống. Việc thúc đẩy trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm giao thương, kết nối giữa các doanh nghiệp tại Việt Nam và cộng đồng người Việt tại khu vực này sẽ hỗ trợ cho hợp tác về thương mại và đầu tư của Việt Nam với Á Âu được hiệu quả và thực chất hơn.
Ảnh: Lê Hồng Nhung “Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Đại sứ quán, các Cơ quan đại diện thương mại của các nước trong khu vực, các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài… đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp nắm bắt và tận dụng cơ hội hợp tác mới, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động giao thương. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện và triển khai các giải pháp tổng thể để thúc đẩy các hoạt động thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và thị trường châu Âu - châu Mỹ nói chung và thị trường khu vực Á Âu nói riêng”
Thông tin từ ông Dương Hoàng Minh – Tham tán Thương mại Việt Nam tại Liên bang Nga, hàng nông thủy sản, đồ uống, dệt may của Việt Nam đang từng bước tăng thị phần và có chỗ đứng tại Nga (thị trường lớn nhất trong khu vực).
Nhiều sản phẩm của Việt Nam đã trở thành thương hiệu nổi tiếng, chiếm thị phần lớn trong các sản phẩm cùng loại tại Nga như mì, khoai tây (của Maraven), nước chấm Sensoy (của Sostra)…
Nhiều sản phẩm có thương hiệu từ Việt Nam như nước uống Vinus, trái cây sấy King, mì Gấu đỏ, bia Hà Nội, bia Sài Gòn, cà phê Trung Nguyên, chè, nước chấm Cholimex… đã từng bước được người tiêu dùng Nga đón nhận và xuất hiện ngày một nhiều hơn tại nhiều cửa hàng. Hàng thủy sản của Việt Nam cũng từng bước được đón nhận trên thị trường.
Song song, theo ước tính sơ bộ của Thương vụ Việt Nam, đến nay tại Nga có khoảng 700 - 800 nhà hàng bán các món ăn Việt Nam. “Đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam xuất khẩu hàng hóa đồng thời phát triển thương hiệu Việt Nam tại Nga và các nước SNG khác đồng thời thu hút khách du lịch vào Việt Nam”, ông Minh nhận định.
Hàng dệt may made in Vietnam cũng xuất hiện ngày càng nhiều hơn tại các Trung tâm thương mại lớn của Nga. Các thương hiệu quần áo lớn của Nga hiện đang có xu hướng tăng hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam từ khâu thiết kế đến may, hoàn thiện sản phẩm. Trong 10 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may từ Việt Nam sang Nga đạt 343,7 triệu USD, tăng 91% so với cùng kỳ năm 2022.
Đoàn doanh nghiệp Việt Nam tham gia một hội chợ quốc tế về may mặc tại Nga. |
Tuy nhiên, hiện nay Thương vụ cũng nhận được nhiều phản ánh từ các doanh nghiệp và người tiêu dùng Nga về các vấn đề liên quan đến chất lượng sản phẩm, nhãn mác, bảo quản và giao hàng không đảm bảo đáp ứng yêu cầu của bên mua.
Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp Việt Nam cũng gặp phải tình trạng thanh toán chậm, từ chối nhận hàng khi hàng đã chuyển đến nơi, hoặc một số trường hợp nhận hàng không thanh toán.
Trước tình hình trên, Thương vụ khuyến cáo doanh nghiệp Việt Nam nên chủ động tham dự triển lãm chuyên ngành tại các nước để tìm hiểu thị trường và tìm kiếm khách hàng, đối tác kinh doanh tiềm năng.
Cần tìm hiểu kỹ về khách hàng trước khi tiến hành giao dịch, ký kết hợp đồng. Trong các năm gần đây, một số doanh nghiệp Việt Nam đã bị các đối tượng trên internet lừa chào hàng với giá rẻ, chưa tìm hiểu kỹ đã ký hợp đồng nhập khẩu với các điều kiện lỏng lẻo, trong đó có “đặt cọc trước”. Sau khi doanh nghiệp nhập khẩu chuyển tiền đặt cọc rồi thì đại diện công ty xuất khẩu “biến mất” hoặc yêu cầu chuyển thêm tiền rồi “biến mất”.
Ông Minh cho biết, Thương vụ Việt Nam tại Liên bang Nga sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tìm hiểu, xác minh đối tác.
Hợp đồng cần được các bên trao đổi và có sự ràng buộc kỹ càng về mặt pháp lý, tránh các trường hợp lừa đảo hoặc chậm thanh toán. Đặc biệt chú trọng đến các vấn đề như thanh toán, điều kiện giao nhận hàng nhằm đảm bảo tránh rủi ro xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng. Hợp đồng kinh tế cần được các bên tuân thủ sát sao, tránh vi phạm hợp đồng, gây thiệt hại đối với doanh nghiệp và ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu quốc gia.
Mặt khác, vận tải đường biển từ các cảng của Việt Nam đến cảng Vlapostok của Nga có thêm nhiều hãng tàu tham gia, khiến giá vận tải qua tuyến đường này trở nên cạnh tranh hơn.
Một thuận lợi khác về logistic là việc vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt từ Việt Nam đến các nước SNG quá cảnh qua Trung Quốc cũng đang từng bước được các doanh nghiệp lựa chọn, nhờ cạnh tranh hơn về thời gian (từ Việt Nam tới ga Vorsino cách thủ đô Matxcơva 70 km chỉ mất 25-27 ngày).