Cụ thể, theo GACC, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc, tính đến 11 tháng năm 2024, đã tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước (YoY) lên 3.240 tỷ USD, nhập khẩu tăng 1,2% YoY lên 2.356 tỷ USD, ghi nhận xuất siêu 884 tỷ USD.
Về thị trường, châu Á là khu vực có giá trị giao thương lớn nhất với Trung Quốc, theo số liệu của GACC. Xuất khẩu từ Trung Quốc sang thị trường này trong kỳ đạt 1.558 tỷ USD (tăng 6,5% YoY) và nhập khẩu đạt 1.241 tỷ USD (tăng 3,5% YoY).
Châu Âu là khu vực có thương mại lớn thứ hai với 670 tỷ USD về xuất khẩu, tăng 3,2% YoY nhưng lại giảm 1,5% YoY về nhập khẩu (đạt 448 tỷ USD).
Đứng thứ ba là khu vực Bắc Mỹ, với xuất khẩu đạt 518 tỷ USD, tăng 3,9% YoY; nhập khẩu đạt 189,6 tỷ USD, giảm nhẹ 0,1% YoY. Trung Quốc còn thu về 253 tỷ USD từ xuất khẩu sang khu vực Mỹ Latin, thị trường đứng thứ 4, (tăng 12,7% YoY) và chi 222 tỷ USD cho nhập khẩu từ khu vực này (tăng 0,5% YoY).
Châu Phi là khu vực có thương mại lớn thứ 5, với tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 266 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 159 tỷ USD (tăng 1,4% YoY) và nhập khẩu đạt 107 tỷ USD (tăng 6,6% YoY).
Trung Quốc còn chi 144 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa từ Úc và thu về 79 tỷ USD từ hoạt động xuất khẩu sang thị trường này. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Trung Quốc và Úc giảm lần lượt 0,8% và 9,6%.
Về xuất khẩu, 11 tháng đầu năm 2024, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc với 475 tỷ USD, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2023. Thị trường đứng thứ hai là Hong Kong (Trung Quốc) với 264 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ.
Trong nhóm có kim ngạch trên 100 tỷ USD, số liệu xuất khẩu từ Trung Quốc sang Việt Nam được cơ quan hải quan nước Trung Quốc ghi nhận đạt kim ngạch 146 tỷ USD, tăng 18% YoY; Nhật Bản với 139,4 tỷ USD, giảm 3,4% YoY; Hàn Quốc với 132,6 tỷ USD, giảm 2,4% YoY; Nga với 104 tỷ USD, tăng 4% YoY; Ấn Độ với 110 tỷ USD, tăng 2,6% YoY.
Trong khối các nước ASEAN, Trung Quốc còn xuất khẩu hàng hóa sang Malaysia với 90 tỷ USD, tăng 15,6% YoY.
Hai thị trường còn lại trong Top 10 xuất khẩu của Trung Quốc bao gồm Đức với 97,3 tỷ USD, tăng 5,9% YoY và Netherlands với 83,3 tỷ USD, giảm 9,6% YoY.
Về nhập khẩu, Trung Quốc nhập khẩu nhiều nhất từ thị trường Đài Loan với 197,8 tỷ USD. Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai của quốc gia này với 164,4 tỷ USD.
Các thị trường nhập khẩu trong nhóm 100 tỷ USD còn có Mỹ với 148,8 tỷ USD; Nhật Bản với 140,3 tỷ USD; Australia với 128,8 tỷ USD; Nga với 118,5 tỷ USD. Trong kỳ, Trung Quốc chi 108,2 tỷ USD để nhập khẩu từ Brazil, 100 tỷ USD từ Malaysia.
Hai thị trường nhập khẩu còn lại trong Top 10 bao gồm Việt Nam với 89 tỷ USD và Đức với 86 tỷ USD.
Trong Top 10 thị trường nhập khẩu của Trung Quốc, 4 thị trường ghi nhận giảm về kim ngạch và 5 thị trường tăng so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, Đức là thị trường nhập khẩu có mức giảm sâu nhất trong 11 tháng đầu năm 2024 với -10,8% YoY. Các thị trường giảm đứng sau lần lượt là Australia với -9,4% YoY; Nhật Bản với -3,5% YoY và Brazil với -2,3% YoY.
Ngược lại, kim ngạch nhập khẩu từ Hàn Quốc tăng tới 11,7% so với cùng kỳ năm trước; từ Đài Loan (Trung Quốc) tăng 8,8% YoY; Việt Nam tăng 8% YoY; Malaysia tăng 7,3% YoY; Nga tăng 0,4% YoY.
Riêng kim ngạch nhập khẩu từ Mỹ của Trung Quốc tương đương về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023.