Trong đó, mảng dịch vụ hàng không đóng góp nhiều nhất với 4.418 tỷ đồng, chiếm 83% doanh thu, tiếp đến là doanh thu từ dịch vụ phi hàng không và bán hàng.
Sau khi trừ đi giá vốn hàng hóa, ACV thu về 3.331 tỷ đồng lợi nhuận gộp, tăng 40% so với cùng kỳ.
Theo báo cáo, so với quý 3/2022, doanh thu hoạt động tài chính của công ty tăng gần 12% lên 1.074 tỷ đồng; chi phí tài chính gần như đi ngang, ở mức 20 tỷ đồng; chi phí bán hàng tăng 41% lên 79 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gấp 3,3 lần lên 926 tỷ đồng, chủ yếu do trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi với 680 tỷ đồng.
Trừ đi tất cả chi phí, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam báo lãi 2.729 tỷ đồng trong quý 3/2023, tăng 13% so với cùng kỳ.
Đây cũng là quý có mức lợi nhuận cao nhất của ACV kể từ sau đại dịch Covid-19. Giải trình về kết quả này, ACV cho biết kết quả kinh doanh khởi sắc đến từ việc thị trường hàng không quốc tế hồi phục.
Lũy kế 9 tháng năm 2023, ACV đạt 14.985 tỷ đồng doanh thu thuần, lợi nhuận trước thuế đạt 8.678 tỷ đồng, lần lượt tăng 54% và 20% so với cùng kỳ. Với kết quả này, ACV đã hoàn thành trên 81% mục tiêu doanh thu và vượt 2,7% mục tiêu lợi nhuận năm.
Tính đến ngày 30/9/2023, tổng tài sản của ACV đạt gần 65.561 tỷ đồng, tăng gần 5.460 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm 65% với 42.620 tỷ đồng, chủ yếu là đầu tư tài chính ngắn hạn chiếm 28.098 tỷ đồng; tiền, tương đương chiếm hơn 4.213 tỷ đồng.
Cuối quý 3/2023, các khoản phải thu ngắn hạn của ACV đã tăng 47% so với đầu năm lên 9.250 tỷ đồng, trong đó, phải thu của Vietjet là 3.443 tỷ đồng, Bamboo Airways hơn 2.008 tỷ đồng, Vietnam Airlines gần 1.838 tỷ đồng.
Chi phí xây dựng cơ bản dở dang của ACV ở cuối quý 3 tăng 46% lên 6.852 tỷ đồng, phần lớn là tiền đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành (giai đoạn 1) 4.746 tỷ đồng, tăng 67% so với đầu năm.
Bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của ACV tại ngày 30/9 là hơn 16.495 tỷ đồng, chiếm 25% trong cơ cấu tài sản. Tổng số nợ vay tài chính là 10.750 tỷ đồng, chủ yếu là nợ vay dài hạn từ các nguồn vốn ODA bằng đồng Yen Nhật.
Vốn chủ sở hữu cuối kỳ của ACV đạt 49.066 tỷ đồng bao gồm 21.198 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.