Hàng tồn kho sản xuất chế biến, chế tạo của Tiền Giang tăng vọt 64%

Công nghiệp Tiền Giang
16:52 - 02/03/2023
Sản xuất công nghiệp tại một doanh nghiệp thuộc Ấp Bắc - Tiền Giang.
Sản xuất công nghiệp tại một doanh nghiệp thuộc Ấp Bắc - Tiền Giang.
0:00 / 0:00
0:00
Trong 2 tháng đầu năm 2023, chỉ số tồn kho một số ngành công nghệ chế biến, chế tạo của tỉnh Tiền Giang tăng cao, gồm thực phẩm; thức ăn gia súc, gia cầm và thuỷ sản; dệt, may; da; giày dép; hóa dược; cao su...

Báo cáo tình hình kinh tế, xã hội tháng 2 và 2 tháng năm 2023 của tỉnh Tiền Giang cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 2 tăng 1,3% so với tháng trước và tăng 7,8% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, chỉ số tiêu thụ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo lại giảm so với cùng kỳ năm trước khiến chỉ số tồn kho tăng cao.

Cụ thể, chỉ số tiêu thụ tháng 2/2023 của Tiền Giang so với tháng trước tăng 1,8% và giảm 0,31% so cùng kỳ. Tính chung 2 tháng đầu năm, chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 7,41% so với cùng kỳ năm 2022.

Một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm so với cùng kỳ, gồm: Sản xuất chế biến thực phẩm giảm 10,41%; dệt giảm 7,79%; sản xuất trang phục giảm 69,79%; sản xuất da giảm 12,3%; sản xuất sản phẩm cao su và plastic giảm 18,72%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn giảm 47,15%; sản xuất thiết bị điện giảm 49,38%.

Bên cạnh đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng: Sản xuất đồ uống tăng 23,06%, chủ yếu là sản xuất bia; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 1,3 lần; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 2,9 lần; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 96,78%; sản xuất kim loại tăng 32,19%.

Cùng với chỉ số tiêu thụ giảm đã khiến chỉ số tồn kho của Tiền Giang tháng 2/2023 tăng 21,18% so với tháng 1 và tăng 64,32% so với cùng kỳ năm 2022.

Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng so với cùng kỳ là: Sản xuất chế biến thực phẩm, dệt, da, giày dép, thuốc, hoá dược và dược liệu, cao su và plastic, thiết bị điện, đồ chơi, trò chơi…

Về thu hút đầu tư, trong tháng 2, Tiền Giang không cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cũng như không thu hút dự án đầu tư mới.

Tính đến hết tháng 2, tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương quy hoạch 7 khu công nghiệp với tổng diện tích đất quy hoạch là 2.083,5 ha, trong đó có 3 khu: Khu công nghiệp Mỹ Tho, Tân Hương, Long Giang, đang hoạt động với diện tích 816 ha, chiếm 39,2% diện tích quy hoạch khu công nghiệp của tỉnh.

Trong tháng 2, Ban Quản lý các khu công nghiệp không cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, điều chỉnh 4 giấy chứng nhận đầu tư (trong đó có 1 dự án điều chỉnh giảm vốn, tổng vốn đầu tư điều chỉnh giảm là 25,4 triệu USD).

Đến nay tổng số dự án tại các khu công nghiệp là 110 dự án (trong đó có 82 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài) với tổng vốn đầu tư đăng ký 2.432 triệu USD và 4.646 tỷ đồng, diện tích thuê đất là 525,5 ha, tỷ lệ lắp đầy đạt 69,8% diện tích đất cho thuê.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 27 cụm công nghiệp được quy hoạch. Trong đó, 5 cụm công nghiệp đã mời gọi được nhà đầu tư gồm: Cụm công nghiệp Trung An, Tân Mỹ Chánh, An Thạnh, Song Thuận, Gia Thuận 1 đã hoàn thành đầu tư hạ tầng, đang hoạt động ổn định.

Tổng số dự án đầu tư tại các cụm công nghiệp của Tiền Giang vẫn duy trì 79 dự án (có 6 dự án đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đầu tư 150,3 triệu USD và 2.306,2 tỷ đồng, diện tích thuê đất là 88,7 ha, tỷ lệ lắp đầy đạt 73,6% diện tích đất cho thuê.

Kim ngạch xuất khẩu đạt 13,4% kế hoạch đề ra

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh cũng cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng 2 chỉ đạt 272 triệu USD, giảm 42% so tháng trước. Trong đó, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 229 triệu USD, giảm 38,4%; kinh tế ngoài Nhà nước 41 triệu USD, giảm 56,6% so tháng trước.

Trong 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của Tiền Giang ở mức 522 triệu USD, đạt 13,4% kế hoạch, giảm 6,3% so cùng kỳ. Trong đó, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 439 triệu USD; kinh tế ngoài Nhà nước đạt 80 triệu USD; Kinh tế Nhà nước 3 triệu USD, tăng 117,6% so cùng kỳ.

Trong các mặt hàng chủ lực của tỉnh, thủy sản ước tính tháng 2/2023 xuất khẩu 6.974 tấn giảm 62,3%; về trị giá đạt 20 triệu USD, giảm 60,8% so tháng trước. Trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản của Tiền Giang đạt 12.885 tấn, tăng 14,8%; về trị giá đạt 37,7 triệu USD, tăng 23,5% so cùng kỳ.

Xuất khẩu gạo ước tính tháng 2/2023 xuất khẩu 6.798 tấn, giảm 40,2%; về giá trị đạt 4,3 triệu USD, giảm 34,2% so tháng trước. Trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt 13.128 tấn, tăng 86,9%; về trị giá đạt 8,3 triệu USD, tăng 53,2% so cùng kỳ.

Hàng dệt, may ước tính tháng 2/2023 xuất khẩu 4.613 ngàn sản phẩm, giảm 72,2%; về giá trị xuất đạt 33,6 triệu USD, giảm 74,6% so tháng trước. Hai tháng đầu năm, xuất khẩu hàng dệt, may đạt 9.221 ngàn sản phẩm, giảm 63,1%; về giá trị đạt 66,9 triệu USD, giảm 23,2% so cùng kỳ.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2023 của Tiền Giang tăng 0,28%; tăng 3,17% so tháng 2/2022. Bình quân 2 tháng đầu năm 2023 tăng 3,45% so cùng kỳ năm trước.

Theo báo cáo, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng sau Tết Nguyên đán hàng năm thì giảm làm cho chỉ số giá giảm theo, nhưng năm nay thì ngược lại, do từ đầu năm đến nay: giá xăng dầu; giá gas; sắt thép; xi măng; vé xe ô tô, khách giá tiếp tục duy trì ở mức cao... dẫn đến chỉ số giá tiêu dùng tháng 2/2023 tăng hơn so với tháng trước.

So với tháng 1/2023, 3 nhóm hàng có chỉ số tăng, gồm: Giao thông; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng; thiết bị, đồ dùng gia đình.

5 nhóm chỉ số giảm, gồm: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống; đồ uống và thuốc lá; văn hóa, giải trí và du lịch; hàng hóa và dịch vụ khác; may mặc, mũ nón, giầy dép.

3 nhóm ổn định, gồm: Thuốc và dịch vụ y tế; bưu chính viễn thông; giáo dục.

Tin liên quan

Đọc tiếp