Quang cảnh cuộc họp và bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, ngày 22/3. Ảnh: AP |
Theo Reuters, ngày 22/3, 11 trong số 15 thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã bỏ phiếu tán thành nghị quyết của Mỹ về cuộc chiến ở Gaza. Nga, Trung Quốc và Algeria (đại diện các quốc gia Ả Rập) đã bỏ phiếu chống, trong khi Guyana bỏ phiếu trắng.
Để một nghị quyết được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua, cần có ít nhất 9 phiếu ủng hộ và không có bên nào trong 5 thành viên thường trực là Mỹ, Anh, Pháp, Nga hoặc Trung Quốc dùng quyền phủ quyết. Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc đã bỏ phiếu chống (được coi là phiếu phủ quyết) nên dự thảo của Mỹ không được thông qua.
Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield. Ảnh: Reuters |
Dự thảo nghị quyết do Mỹ đệ trình có nội dung yêu cầu “ngừng bắn ngay lập tức và lâu dài” trong cuộc chiến giữa Israel - Hamas, “thả ngay lập tức và vô điều kiện tất cả con tin” và nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải bảo vệ dân thường và mở rộng dòng viện trợ nhân đạo trên khắp Dải Gaza.
Tuy nhiên, dự thảo không bao gồm các điều khoản hỗ trợ các nỗ lực ngoại giao đang diễn ra nhằm đảm bảo lệnh ngừng bắn, cũng như không trực tiếp yêu cầu Israel chấm dứt chiến dịch tại Gaza. Washington đang làm việc với Qatar và Ai Cập để cố gắng đạt được một thỏa thuận ngừng bắn.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield nói với Hội đồng Bảo an rằng: “Đại đa số thành viên hội đồng này đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết này, nhưng đáng tiếc là Nga và Trung Quốc đã quyết định sử dụng quyền phủ quyết của mình”.
Bà cáo buộc Nga và Trung Quốc phủ quyết nghị quyết này vì “những lý do hết sức hoài nghi”, nói rằng hai nước không lên án cuộc tấn công ngày 7/10/2023 của Hamas vào Israel.
Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia. Ảnh: AP |
Tuy nhiên, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia cho biết, nghị quyết do Mỹ dẫn đầu đã “cực kỳ chính trị hóa” và bật đèn xanh cho Israel tiến hành một chiến dịch quân sự ở Rafah - thành phố ở cực nam Dải Gaza, nơi có hơn 1,5 triệu cư dân đang trú ẩn trong những căn lều tạm bợ.
“Điều này sẽ giúp Israel không bị hạn chế và sẽ dẫn đến việc toàn bộ Gaza và toàn bộ người dân ở đây phải đối mặt với sự hủy diệt, sự tàn phá hoặc bị trục xuất,” ông Nebenzia nhấn mạnh.
Trong khi đó, Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Zhang Jun cũng chỉ trích văn bản do Mỹ đề xuất không nêu rõ sự phản đối của nước này đối với hoạt động quân sự đã được Israel lên kế hoạch ở Gaza - động thái mà ông cảnh báo “có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng”.
Từ trái sang phải: Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield, Đại sứ Algeria tại LHQ Amar Bendjama, Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Zhang Jun. Ảnh: Reuters |
“Nếu Mỹ thực sự nghiêm túc về lệnh ngừng bắn, họ sẽ không phủ quyết hết lần này đến lần khác các nghị quyết của hội đồng. Họ cũng sẽ không đi đường vòng như vậy và chơi chữ, trong khi tỏ ra mơ hồ và lảng tránh các vấn đề quan trọng,” ông Zhang nói, đồng thời cho biết Bắc Kinh sẽ ủng hộ các giải pháp thay thế khác.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết Paris sẽ hợp tác với Jordan và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) để thuyết phục Nga và Trung Quốc ủng hộ một nghị quyết thay thế khác tại Hội đồng Bảo an về lệnh ngừng bắn ở Gaza.
Cho đến nay, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua hai nghị quyết về tình hình nhân đạo ngày càng tồi tệ ở Dải Gaza, nhưng không có nghị quyết nào về việc kêu gọi ngừng bắn.
Dự thảo nghị quyết mà Washington đệ trình vào ngày 22/3 đánh dấu lần đầu tiên Washington ủng hộ một văn bản có sử dụng từ "ngừng bắn" trong cuộc chiến ở Dải Gaza, phản ánh lập trường cứng rắn của chính quyền Tổng thống Joe Biden đối với Israel.
Trước đó, Mỹ đã phủ quyết 3 dự thảo nghị quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, trong đó có 2 dự thảo yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức. Hồi cuối tháng 2, Mỹ là nước duy nhất bỏ phiếu chống, trong khi Anh bỏ phiếu trắng đối với dự thảo nghị quyết do Algeria (dẫn đầu các quốc gia Ả Rập) đưa ra về việc yêu cầu ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức.
Washington đang mong muốn bất kỳ sự ủng hộ nào của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đối với lệnh ngừng bắn đều có liên quan đến việc thả các con tin do Hamas bắt giữ ở Gaza.
Một cậu bé đứng cạnh các đồ hộp trong ngày cầu nguyện thứ Sáu trong tháng ăn chay Ramadan ở Rafah, phía nam Gaza, ngày 22/3. Ảnh: Reuters |
Cuộc xung đột Israel - Hamas nổ ra vào tháng 10/2023 khi lực lượng Hamas bất ngờ tấn công lãnh thổ Israel bằng hàng nghìn quả rocket, khiến hơn 1.200 người ở Israel thiệt mạng và 253 con tin bị đưa sang Dải Gaza. Để đáp trả, Israel đã phát động một chiến dịch quân sự quy mô lớn ở Dải Gaza, bao gồm tiến hành các cuộc không kích và tấn công trên bộ.
Cơ quan Y tế Gaza cho biết tổng số người thiệt mạng tại khu vực này lên tới 31.988 người, với 2/3 trong số đó là phụ nữ và trẻ em. Khoảng 1,5 triệu người dân Palestine đang trú ẩn tại Rafah sau khi các cuộc oanh tạc của Israel đã san bằng các khu vực lân cận.
Theo Trung tâm Vệ tinh Liên Hợp Quốc (UNOSAT), ít nhất 35% tổng số tòa nhà ở Dải Gaza đã bị hư hại, trong đó có hơn 31.000 tòa nhà bị phá hủy hoàn toàn. Cơ quan Phân loại Giai đoạn An ninh Lương thực Tích hợp (IPC) cảnh báo tình trạng thiếu lương thực ở Gaza đã vượt quá mức nạn đói và người dân trong khu vực này sẽ sớm chết đói ở quy mô lớn nếu không có lệnh ngừng bắn.