HDBank lần đầu ghi nhận lãi trước thuế vượt 10.000 tỷ đồng

NGÂN HÀNG Việt nAM
13:53 - 31/01/2023
HDBank lần đầu ghi nhận lãi trước thuế vượt 10.000 tỷ đồng
0:00 / 0:00
0:00
Mặc dù ghi nhận khoản lỗ từ kinh doanh chứng khoán nhưng nhờ các mảng dịch vụ khác tăng trưởng cao, năm 2022 HDBank đã hoàn thành mức lợi nhuận mà cổ đông giao, đồng thời thiết lập kỷ lục về lợi nhuận mới cho nhà băng.

Báo cáo tài chính quý 4/2022 của Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank, mã: HDB) ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế của cả năm 2022 đạt 10.268 tỷ đồng, con số cao nhất từ trước đến nay tại ngân hàng, hoàn thành 105% kế hoạch đề ra cho năm 2022.

Trong đó, các mảng kinh doanh mang lại lợi nhuận cho ngân hàng này bao gồm tổng thu nhập hoạt động đạt 21.967 tỷ đồng, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập lãi thuần tăng 29,7%, thu thuần từ dịch vụ tăng 53,4%.

Ngoài ra, trong quý 4/2022, HDBank dành ra 250 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, giảm đến 52% so với năm ngoái cùng với các khoản lãi tăng mạnh kéo theo lợi nhuận cả năm cũng tăng trưởng.

Mặc dù vậy, báo cáo đã ghi nhận khoản lỗ từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh và hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư tại HDBank lần lượt là 110 tỷ đồng và 2,7 tỷ đồng.

Tại bảng cân đối tài sản ngân hàng này cũng ghi nhận, khoản chứng khoán kinh doanh giảm gần 90%, còn 1.131 tỷ đồng bởi chứng khoán Chính phủ giảm đến 16,5 lần, chứng khoán do các tổ chức tín dụng khác trong nước phát hành giảm gần 5 lần.

Các chỉ tiêu ROAE đạt 23,5%, ROAA đạt 2,1%, hệ số an toàn vốn CAR đạt hơn 13,4% nằm trong nhóm dẫn đầu toàn ngành.

Ngoài ra, HDBank cho biết trong năm 2022, doanh số kinh doanh bảo hiểm của ngân hàng này cao gấp 2 lần cùng kỳ. Số lượng thẻ tín dụng kích hoạt gấp hơn 4 lần cùng kỳ năm trước, giá trị giao dịch thẻ tăng gấp gần 3 lần, số lượng khách hàng giao dịch trên kênh số (ebanking) tăng 208%, số lượng giao dịch tăng 97% so với cùng kỳ.

Về tổng tài sản tại HDBank, tính đến hết ngày 31/12/2022, tổng tài sản tại nhà băng này cũng lần đầu vượt mốc 416.000 tỷ đồng. Huy động vốn đạt 366.000 tỷ đồng, trong đó, tiền gửi từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 216.000 tỷ đồng, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước và gấp gần 3 lần mức tăng toàn ngành (khoảng 6%).

Dư nợ đạt hơn 268.000 tỷ đồng, tăng trên 25,6% phù hợp với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước giao. Tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ là 1,3%. Ngân hàng ưu tiên cấp tín dụng các lĩnh vực là động lực của nền kinh tế như nông nghiệp nông thôn, tín dụng xanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiểu thương, các chuỗi cung ứng và phân phối.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HDB là mã giao dịch tích cực nhất nhóm ngân hàng, khi tăng hơn 3,1% lên 18.250 đồng/cp với thanh khoản cao nhất trong hơn 1 tháng qua.

Ngay từ khi mở cửa, HDB luôn giao dịch trong sắc xanh quanh vùng giá 18.000 đồng/cp. Chốt phiên giao dịch ngày 30/1, cổ phiếu HDB dừng ở mức 18.250 đồng/cp. Cổ phiếu HDBank bật tăng mạnh mẽ trong bối cảnh ngày 30/1 là ngày đầu tiên điều chỉnh tỷ lệ tối đa sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (hay còn gọi là room ngoại) từ 18% lên 20%.

Tin liên quan

Đọc tiếp