Trước đó, Malaysia đã chính thức thông báo về việc nước này hoàn tất thủ tục phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào ngày 5/10.
Trong số 11 nước đã ký kết Hiệp định CPTPP, Malaysia là nước thứ 9 thông qua Hiệp định thương mại đa phương thế hệ mới này sau đợt thông qua của 8 nước đầu tiên từ năm 2018 đến năm 2021, lần lượt là Mexico, Nhật Bản, Singapore, Australia, New Zealand, Canada, Việt Nam và Peru.
Chính phủ Malaysia kỳ vọng, Hiệp định sẽ giúp nước này thúc đẩy thương mại và tiếp cận tốt hơn với các quốc gia mà Malaysia chưa có thỏa thuận thương mại tự do song phương.
Trước đó, Bộ Thương mại và Công nghiệp Quốc tế Malaysia (MITI) cho biết, vào ngày 30/9 Chính phủ Malaysia đã chính thức đệ trình văn kiện phê chuẩn CPTPP cho New Zealand, cơ quan lưu ký của hiệp định. Kết quả “Phân tích lợi ích và chi phí” của Malaysia cho thấy với CPTPP, tổng thương mại của nước này được dự báo tăng lên 655,9 tỷ USD vào năm 2030. Năm 2021, con số này là khoảng 481 tỷ USD.
CPTPP giúp Malaysia tăng khả năng tiếp cận các thị trường mới như Canada, Mexico và Peru. Đây là các quốc gia mà nước này chưa có hiệp định thương mại tự do song phương. Hiệp định này cũng giúp Malaysia có khả năng tiếp cận với nguồn đa dạng vật liệu thô chất lượng cao với giá cả cạnh tranh, đồng thời tăng sức hấp dẫn của Malaysia như một điểm đến đầu tư.
Đối với Việt Nam, Malaysia là một trong những thị trường xuất khẩu có tiềm năng rất lớn tại khu vực ASEAN. Theo số liệu thống kê của Tổng cục hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Malaysia trong 9 tháng năm 2022 đạt 4,37 tỷ USD, tăng 37,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang thị trường Malaysia bao gồm máy móc thiết bị và phụ tùng; máy vi tính; điện tử và linh kiện; sắt thép các loại; xăng dầu, hóa chất…Trong đó riêng tháng 9/2022 xuất khẩu đạt 414,9 triệu USD, giảm 14,9% so với tháng 8/2022.
Hai bên đang nỗ lực để đưa con số này lên 18 tỷ USD vào năm 2025 theo hướng cân bằng. Thông qua tăng cường hợp tác, trao đổi thương mại các mặt hàng mà hai nước có thế mạnh như nông thủy sản, các sản phẩm dành cho người Hồi giáo (Halal), công nghiệp thực phẩm, sản phẩm linh kiện điện tử.
Đồng thời, cùng nghiên cứu sáng kiến về xây dựng cơ chế trao đổi thông tin trong lĩnh vực phòng vệ thương mại giữa Việt Nam và Malaysia. Theo đó, Hiệp định CPTPP cùng với các Hiệp định thương mại khác mà hai bên cùng tham gia sẽ là đòn bẩy để thúc đẩy mối quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước ngày càng phát triển.
Trong số các thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái bình dương, Việt Nam là một trong số các quốc gia phê chuẩn CPTPP sớm nhất. Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn hiệp định này vào ngày 12/11/2018. Theo kết quả nghiên cứu chính thức được Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện vào tháng 9/2017, CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng thêm tương ứng là 1,32% và 4,04% đến năm 2035.
CPTPP đang là một hiệp định hấp dẫn với nhiều ưu đãi khi tiếp cận với một số thị trường lớn từ các nước phát triển. Ngoài 11 quốc gia thành viên CPTPP, đã có thêm một số quốc gia và vùng lãnh thổ muốn gia nhập hiệp định này.
Trong năm 2021, 4 nền kinh tế bao gồm Vương quốc Anh, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Ecuador đã chính thức xin gia nhập CPTPP. Gần đây, Hàn Quốc cũng gửi những tín hiệu mạnh mẽ về mong muốn tham gia hiệp định này.
Một số nước trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng bày tỏ ý định xin gia nhập, bao gồm 3 nước trong ASEAN là Thái Lan, Philippines và Indonesia.