Hiệp hội nhà thầu xây dựng: Nghịch lý là nhà thầu càng làm càng lỗ

Xây dựng Việt nAM
11:53 - 10/08/2022
0:00 / 0:00
0:00
Theo đại diện Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam, 2 năm ảnh hưởng của dịch bệnh đã làm nảy sinh một nghịch lý chưa từng có trong ngành xây dựng là nhà thầu càng làm càng lỗ khiến cho nhiều dự án đầu tư chậm tiến độ.

Gần đây, Chính phủ rất nỗ lực đốc thúc các dự án đầu tư công chậm tiến độ, cũng nhờ công tác khảo sát thực địa, thanh tra kiểm tra mà phát hiện ra nhiều khó khăn, vướng mắc của nhà thầu thi công trong quá trình thực hiện và đề ra những giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Trình bày tại cuộc gặp mặt giữa Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị và Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam ngày 9/8, Hiệp hội này đã kiến nghị tới Bộ trưởng những vướng mắc, khó khăn hiện tại.

Thách thức nợ xấu

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam nói về những khó khăn mà các nhà thầu xây dựng đang gặp phải, ví dụ như nợ xấu, những khoản nợ mà cơ chế pháp luật không xử lý được, tòa án cũng không can thiệp được.

Ông Hiệp chia sẻ: "Trong công nợ có 2 loại, nợ đầu tư công và nợ bên ngoài. Nhiều chủ đầu tư chỉ trả 70% tổng hợp đồng công trình rồi chây ỳ không chịu thanh toán nốt, điều này khiến cho các nhà thầu rơi vào bế tắc, không có tiền trả lãi ngân hàng, không có tiền nuôi nhân công… dẫn đến kiệt quệ và phá sản".

"Chính vì vậy, cần có cơ chế như xin phép Thủ tướng để các cơ quan truyền thông được công bố các chủ đầu tư nợ không thanh toán, điều này sẽ khiến cho các chủ đầu tư sợ mất uy tín, sẽ không dẫn đến tình trạng công trình xong và đã nghiệm thu nhưng 5 hoặc 7 năm sau mới thanh toán cho các nhà thầu", Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng nêu.

Cần cơ chế bảo lãnh thanh toán

Hiệp hội cũng đề nghị Bộ Xây dựng hỗ trợ Hiệp hội các công trình sử dụng vốn ngoài ngân sách, đề nghị xin cơ chế bảo lãnh thanh toán của chủ đầu tư đối với các công trình ngoài xã hội.

Theo ông Hiệp, trong điều kiện khi ký hợp đồng với chủ đầu tư hầu như nhà thầu không được bình đẳng, không có cách nào đàm phán với chủ đầu tư nếu như không có quy định của pháp luật. Chính vì vậy, cần có cơ chế về bảo lãnh thanh toán, cơ chế về hợp đồng.

"Rất nhiều các nhà thầu hiện nay càng làm càng lỗ, càng làm càng chết, đó là nghịch lý chưa bao giờ xảy ra. Doanh nghiệp thì đói công việc nhưng nghĩ đến đầu tư công lại sợ, sợ cơ chế thanh toán".

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam

Chính vì vậy, nợ đầu tư công cần được giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, có nợ 3 năm, 5 năm không giải quyết, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống kê lại, báo cáo Chính phủ xử lý nợ đọng này.

Theo ông Hiệp tại cuộc họp nêu trên, vấn đề đơn giá, định mức cũng chưa đáp ứng được thực tế công việc: Nếu Bộ trưởng cho phép, Hiệp hội sẵn sàng tham mưu cho Viện Kinh tế xây dựng, Cục Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) để thực sự cải tiến hệ thống định mức, đơn giá. Bởi với hệ thống định mức, đơn giá hiện nay nhà thầu càng làm càng lỗ.

Giá vật liệu tăng trong thời gian qua cũng là một cản trở rất lớn cho các nhà thầu khi phải bù lỗ và không được các nhà đầu tư trợ giá. Hệ thống thanh tra còn chồng chéo nhiều cấp thanh tra: Bộ, Sở, quận, phường, tài nguyên môi trường, khoa học công nghệ… đều vào thanh tra, khiến cho công việc gặp cản trở.

Bộ Xây dựng tăng cường bảo vệ quyền lợi nhà thầu

Trả lời cho những vấn đề nêu ra của Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định: Các doanh nghiệp nhà thầu Việt Nam đã có bước phát triển nhất định, năng lực vượt trội, nhiều kinh nghiệm trong xây dựng. Trong giai đoạn hiện nay đã phải chịu nhiều khó khăn, vướng mắc. Nếu chúng ta không chia sẻ, tháo gỡ thì các nhà thầu Việt Nam sẽ bị thụt lùi và buộc phải nhường thị trường cho nhà thầu nước ngoài.

Đây là tiếng nói thực tế trong quá trình xây dựng chính sách, thực hiện quản lý Nhà nước, tăng cường trao đổi, lắng nghe cho thực chất...Đề nghị các đơn vị trong Bộ chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng tăng cường bảo vệ nhà thầu, nghiên cứu tham mưu cho lãnh đạo Bộ có đề xuất cụ thể, mức độ nào phải cụ thể, quy định phù hợp, theo hướng bảo vệ nhà thầu, thống nhất với quy định của pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị

Bộ trưởng cho biết, Bộ Xây dựng hàng năm sẽ làm việc với các Tổng hội, Hiệp hội từ đó có sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế.

Liên quan đến nợ đọng, Bộ Xây dựng cũng đã nhấn mạnh về thực trạng vướng nhất là hợp đồng đơn giá cố định, hợp đồng trọn gói, pháp luật không cho điều chỉnh, nếu điều chỉnh phải thuộc trường hợp bất khả kháng…

Liên quan đến đánh giá định mức lạc hậu, thấp, công việc mới không có, Bộ trưởng cho biết có hơn 3.000 định mức trong đó Bộ Xây dựng 1.500, các bộ ngành và UBND tỉnh 1.800 định mức. Bộ Xây dựng đã rà soát, loại bỏ hơn 1.000 định mức lỗi thời, lạc hậu. Mong rằng, Hiệp hội sẽ tham gia tích cực xây dựng định mức mới cùng Bộ Xây dựng.

Bộ Xây dựng và Hiệp hội Nhà thầu sẽ có ít nhất mỗi năm làm việc 1 lần theo quy chế để lắng nghe, đánh giá, tháo gỡ các vướng mắc...

Tin liên quan

Đọc tiếp