"Hỗ trợ doanh nghiệp cần bớt các khâu phải xin ý kiến"

DOANH NGHIỆP QUỐC HỘI
16:51 - 31/05/2023
Đại biểu Trịnh Xuân An băn khoăn về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh: Quochoi
Đại biểu Trịnh Xuân An băn khoăn về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh: Quochoi
0:00 / 0:00
0:00
Theo đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An, những gì cần làm để hệ thống doanh nghiệp phát triển thì cần làm ngay, quyết định ngay, bớt các khâu phải xin ý kiến, tránh việc khi giải quyết được thì doanh nghiệp đã “gần đất xa trời”.

Trong phiên thảo luận Nghị trường về tình hình phát triển kinh tế xã hội ngày 31/5, nhiều đại biểu bày tỏ lo lắng cho doanh nghiệp hiện tại, khi nhiều khó khăn bủa vây.

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) cho rằng, cần phải có những giải pháp cấp bách, thậm chí vượt tiền lệ để cứu nguy cho hệ thống doanh nghiệp.

Theo đại biểu, doanh nghiệp là nền tảng vật chất, động lực cho sự phát triển của đất nước nhưng từ số liệu cho thấy, hệ thống doanh nghiệp đang thực sự khó khăn. Hiện các nút thắt chính của doanh nghiệp hiện tại là thiếu hụt về đơn hàng, tắc nghẽn về dòng vốn, thể chế không đầy đủ, thủ tục hành chính bủa vây và những rủi ro pháp lý có thể gặp phải.

“Nhìn vào những con số thì hệ thống doanh nghiệp đang thực sự khát về tín dụng nhưng không tiếp cận được vốn, tiếp cận được thì cũng khó giải ngân do vướng về điều kiện và thủ tục vay.

Tôi đánh giá cao trách nhiệm của Chính phủ khi phải dùng cả mệnh lệnh hành chính để yêu cầu giảm lãi suất. Tuy nhiên việc giảm lãi suất không quan trọng bằng tiếp cận vốn và đưa nguồn vốn đó vào sản xuất kinh doanh”, ông An nói.

Theo đại biểu, việc giảm lãi suất và đơn giản thủ tục cho vay cần thực chất để vốn đến đúng, trúng và trực tiếp đến doanh nghiệp đang cần. Ngoài tín dụng thì cần khơi thông các nguồn vốn khác như chứng khoán, trái phiếu, đồng thời tiếp tục rà soát để đơn giản thủ tục hành chính một cách thực chất hơn, cần phải thay đổi văn hoá, thái độ phụng sự doanh nghiệp, chủ động, chủ tâm, thực lòng đến với doanh nghiệp để gỡ khó.

Những gì cần làm để hệ thống doanh nghiệp phát triển thì cần làm ngay, quyết định ngay, bớt các khâu phải xin ý kiến, trao đổi lòng vòng giữa các bộ ngành, tránh việc khi giải quyết được thì doanh nghiệp đã "gần đất xa trời".

Đại biểu Trịnh Xuân An

Đối với những dự án đầy đủ pháp lý, làm đúng quy trình, ông An cho rằng các địa phương cần ký để triển khai ngay, tránh việc rà soát mãi mà cả năm không ra được dự án nào. Đồng thời bớt các nội dung, kiểm tra, thanh tra, làm khó doanh nghiệp, tránh tình trạng doanh nghiệp phải lao đao đi giải trình lên xuống. “Chủ trương với doanh nghiệp là nghẽn ở đâu thông ở đó, vướng ở đâu gỡ ở đó”, ông An nói.

Nhìn khó khăn của doanh nghiệp từ ngành thuỷ sản, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Đoàn Cà Mau) cho biết, kinh tế khó khăn, hầu hết người dân phải thắt chặt chi tiêu. Do đứt gãy nguồn cung ứng, người nuôi tôm không tiêu thụ được sản phẩm hoặc phải bán với giá rất rẻ, trong khi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao nên sản phẩm bán ra không đủ bù đắp chi phí đầu vào. Nhiều hộ nuôi tôm đang lao đao, có nguy cơ vỡ nợ.

Theo đại biểu, tình hình chung của ngành thủy sản cũng không khá hơn. Nhiều công ty đã kiệt sức phải đóng cửa, một số khác phải bán rẻ tài sản để tránh vỡ nợ hoặc co hẹp quy mô sản xuất, giảm nhân sự để cầm cự.

"Doanh nghiệp các ngành khác cũng trong tình trạng trên do thị trường bị thu hẹp, đơn hàng giảm mạnh, cạnh tranh quốc tế gia tăng nên phải cắt giảm lao động, giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên làm ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động. Cuối năm 2022 đến nay, các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long đã có nhiều lượt người về quê do thiếu việc làm. Điều này sẽ làm tiềm ẩn về khó khăn an sinh xã hội", ông Hận nêu vấn đề.

Theo đại biểu, nguyên nhân của thực trạng trên là do suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng một phần cũng đến từ vấn đề nội tại như tắc nghẽn dòng vốn, mặt bằng lãi suất tăng nhanh, dòng vốn ưu đãi của chương trình phục hồi kinh tế xã hội chưa thông suốt… Mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp gỡ khó, nhưng khâu thực hiện đang có vấn đề.

Qua đó, đại biểu cho rằng, Chính phủ cần nghiên cứu, đề xuất với Quốc hội hoặc xem xét có chính sách giảm thuế, phí, lãi suất phù hợp; rà soát các bất cập để tiếp tục thực hiện gói tín dụng hỗ trợ lãi suất 2% thuộc chương trình phục hồi kinh tế xã hội.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận.

Trước thực trạng doanh nghiệp cũng khó tiếp cận với vốn vay, đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn Sóc Trăng) kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần có phương thức điều hành linh hoạt, giao tổng room từ đầu năm và điều hành trên cơ sở kế hoạch được lập ra bởi sự thỏa thuận giữa ngân hàng với khách hàng. Tránh tình trạng nửa đầu năm tăng tốc, cuối năm hết room hoặc là bị siết lại một cách đột ngột, có thể khiến doanh nghiệp ảnh hưởng kế hoạch trong đầu tư sản xuất.

Đại biểu cũng đề xuất NHNN xem xét có cơ chế cho vay linh hoạt, đa dạng, nhất là các gói cho vay tín chấp dựa trên thời gian hoạt động có hiệu quả và dòng tiền của doanh nghiệp. Chỉ đạo các ngân hàng thương mại rà soát lại toàn bộ thủ tục, điều kiện tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp, đẩy nhanh giải ngân gói hỗ trợ lãi suất, triển khai hiệu quả chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn.

Bà Vang cũng đề nghị Quốc hội xem xét mức giảm thuế giá trị gia tăng xuống từ 3 đến 4% vì nếu chỉ giảm 2% chưa phải là mức tốt cho nền kinh tế. Từ đó doanh nghiệp có thể tiêu thụ hàng hóa nhiều hơn, giải phóng được lượng hàng tồn kho, sớm phục hồi sản xuất kinh doanh.

Tin liên quan

Đọc tiếp