Sân bay Cà Mau hiện khá nhỏ, đường băng ngắn, chỉ đáp ứng cho khai thác tàu bay ATR72 của hãng Vacso với tần suất thấp, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh. |
Nội dung kế hoạch quy định rõ thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án mở rộng cảng hàng không Cà Mau như: Điều tra, khảo sát, xác định nhu cầu tái định cư của dự án; xác định khu tái định cư; cho chủ trương bố trí tái định cư (hoặc đề xuất đối với trường hợp vượt thẩm quyền); ban hành kế hoạch điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm và ban hành thông báo thu hồi đất.
Cùng với đó là các công tác đo đạc, kiểm đếm, lập, phê duyệt và thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; bàn giao mặt bằng; xử lý các yêu cầu, khiếu nại, các tồn đọng phát sinh và kết quả thực công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Kế hoạch cũng nhấn mạnh mục tiêu đến ngày 31/12/2024, tỉnh Cà Mau quyết tâm bàn giao 100% mặt bằng cho chủ đầu tư thực hiện dự án.
Trong kế hoạch, UBND tỉnh Cà Mau giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND TP Cà Mau, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan thực hiện hoàn thành đúng nội dung thời gian kế hoạch.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đề nghị UBND TP Cà Mau bố trí nguồn lực để tập trung thực hiện thẩm định, ban hành thông báo thu hồi đất, giá đất cụ thể, quyết định thu hồi đất và thống nhất chủ trương thu hồi đất sớm hơn thời gian quy định, đồng thời phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư đảm bảo thời gian theo kế hoạch.
Cùng với đó, thành phố cần thường xuyên rà soát, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng và vận động, tuyên truyền các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Nhà nước.
Theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, cảng hàng không Cà Mau là sân bay cấp 4C, công suất 1 triệu hành khách/năm. Giai đoạn đến năm 2050 sẽ là sân bay cấp 4C, công suất ba triệu hành khách/năm.
Dự án mở rộng cảng hàng không Cà Mau sẽ có các hạng mục như đầu tư xây dựng mới đường cất hạ cánh kích thước 2.400x45m về phía Bắc và cách đường cất hạ cánh hiện hữu 180m, xây dựng mới đường lăn kết nối sân đỗ hiện hữu và đường cất hạ cánh mới ở phía bắc. Đồng thời, mở rộng sân đỗ máy bay đáp ứng bốn vị trí đỗ tàu bay tầm trung, thân hẹp (A320/321, Embraer 195...).
Cùng với đó, tiến hành nâng cấp nhà ga hành khách hiện hữu có thể khai thác tới 1 triệu hành khách/năm và giữ nguyên vị trí khu hàng không dân dụng theo quy hoạch được duyệt. Tổng mức đầu tư dự kiến là 2.253 tỷ đồng (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng).
Sân bay Cà Mau có từ thời Pháp với quy mô cấp 3C, đường cất/hạ cánh dài 1.500m, rộng 30m, đáp ứng khai thác loại tàu bay như ATR72, E190 và tương đương trở xuống.
Sân bay có công suất thiết kế là 200.000 hành khách/năm, phục vụ 150 hành khách/giờ cao điểm. Nhiều năm qua, cảng chỉ khai thác duy nhất một đường bay Cà Mau - TP HCM và ngược lại với tần suất 5 chuyến mỗi tuần.
Từ ngày 29/4/2023, đường bay thẳng Cà Mau - Hà Nội được đưa vào khai thác với tần suất ba chuyến mỗi tuần. Các chuyến bay luôn đông khách, nhưng do đường cất/hạ cánh sân bay hạn chế, các tàu bay phải giảm tải và tần suất.