Một góc đảo Cát Bà. Ảnh: Thảo Ngân |
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 4877/VPCP-KGVX ngày 3/7/2023 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về khuyến nghị của Hiệp hội bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) đối với Hồ sơ "Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà" đề nghị UNESCO ghi danh Di sản thế giới
Cụ thể, xét đề nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Công văn số 2306/BVHTTDL-DSVH ngày 12/6/2023 về các khuyến nghị của IUCN đối với Hồ sơ nêu trên, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh nghiên cứu các khuyến nghị của IUCN, cập nhật hồ sơ đề cử di sản và có báo cáo giải trình phù hợp gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam hướng dẫn UBND thành phố Hải Phòng và UBND tỉnh Quảng Ninh hoàn thiện hồ sơ đề cử gửi tới IUCN bảo đảm không ảnh hưởng tới kế hoạch, tiến độ xem xét, đánh giá của Ủy ban Di sản thế giới.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các bộ, cơ quan liên quan có nhiệm vụ hướng dẫn các địa phương có di sản thế giới trong đề xuất, lập, thẩm định các dự án khu vực di sản trong thời gian tới, tránh ảnh hưởng tới giá trị nổi bật toàn cầu của di sản đã được UNESCO ghi danh, đúng quy định của pháp luật Việt Nam và Hướng dẫn thực hiện Công ước 1972.
Quần đảo Cát Bà đã được xếp hạng Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt vào năm 2013. Vịnh Hạ Long đã được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới lần thứ 2 vào năm 2020.
Việc đề cử quần đảo Cát Bà là Di sản thế giới nhằm gìn giữ, bảo tồn, duy trì giá trị đặc hữu về đa dạng sinh học cho các thế hệ sau. Quần đảo Cát Bà trở thành Di sản thế giới cũng được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Cát Bà, quảng bá hình ảnh và thu hút đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế sinh thái.