Cảnh sát tuần tra bên ngoài trung tâm báo chí, trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại thành phố Bari, Italy, ngày 12/6/2024. Ảnh; Reuters |
Theo hãng tin AFP dẫn lời các quan chức trong Văn phòng Tổng thống Pháp ngày 13/6, các nhà lãnh đạo G7 đã đạt được thỏa thuận trong việc cấp khoản vay 50 tỷ USD cho Ukraine thông qua sử dụng lãi từ tài sản bị phong tỏa của Nga và thỏa thuận viện trợ sẽ được công bố trong những ngày tới. Ngân sách viện trợ được huy động bằng cách vay các tổ chức tài chính, dùng lãi suất từ khối tài sản khoảng 325 tỷ USD bị đóng băng của Nga để thế chấp.
Tuy nhiên, các quan chức cũng thừa nhận kế hoạch này rất phức tạp, đồng nghĩa với việc mọi thỏa thuận sẽ chỉ mang tính nguyên tắc trong khi các chuyên gia pháp lý vẫn phải giải quyết các chi tiết cần sự ủng hộ của các quốc gia châu Âu, đặc biệt là Bỉ, quốc gia không thuộc G7.
Ngoài thỏa thuận viện trợ của G7, Văn phòng Thủ tướng Anh ngày 12/6 cho biết Thủ tướng Rishi Sunak cũng sẽ công bố khoản hỗ trợ song phương lên tới 309,69 triệu USD cho Ukraine trong Hội nghị Thượng đỉnh G7 để hỗ trợ các nhu cầu nhân đạo, năng lượng và ổn định ngay lập tức cho Ukraine.
Trong khi đó, Mỹ dự kiến cũng sẽ ký kết một hiệp định an ninh dài hạn mới với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky – người đã tham dự hội nghị thượng đỉnh năm thứ 2 liên tiếp vào năm 2024.
Trả lời các phóng viên trước khi hội nghị thượng đỉnh khai mạc ngày 13/6, Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan cho biết: “Bằng việc ký kết này, chúng tôi sẽ gửi cho Nga một tín hiệu về quyết tâm của chúng tôi. Nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin nghĩ rằng ông ấy có thể tồn tại lâu hơn liên minh hỗ trợ Ukraine thì ông ấy đã sai”.
Nhằm nhấn mạnh quyết tâm của Mỹ trong việc đoàn kết với Ukraine và trừng phạt Nga, Washington ngày 12/6 đã mở rộng đáng kể các lệnh trừng phạt đối với Moscow. Hãng tin Reuters dẫn lời Bộ Tài chính Mỹ cho biết chính phủ nước này "nhắm vào cấu trúc hệ thống tài chính của Nga, vốn đã được định hướng lại để tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư vào ngành công nghiệp quốc phòng và mua sắm hàng hóa cần thiết để tiếp tục gây hấn với Ukraine".
Ngay sau khi các biện pháp trừng phạt được công bố, Nga đã buộc phải đình chỉ ngay lập tức giao dịch bằng USD và Euro trên thị trường tài chính hàng đầu của nước này là Sở giao dịch Moscow từ 13/6.
Động thái này tương đương với việc các ngân hàng, công ty và nhà đầu tư sẽ không thể giao dịch một trong hai loại tiền tệ trên thông qua một sàn giao dịch trung tâm, nơi mang lại lợi thế về thanh khoản, thanh toán bù trừ và giám sát. Thay vào đó, họ sẽ phải giao dịch phi tập trung (OTC), nơi các giao dịch được thực hiện trực tiếp giữa hai bên. Ngân hàng trung ương Nga cho biết họ sẽ sử dụng dữ liệu OTC để thiết lập tỷ giá hối đoái chính thức.
Ngoài vấn đề liên quan tới chiến dịch quân sự đặc biệt Nga tiến hành tại Ukraine, chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay sẽ xoay quanh cả vấn đề tại Trung Đông cũng như vấn đề di cư và trí tuệ nhân tạo (AI).
Đặc biệt, các nhà lãnh đạo G7 cũng dự kiến sẽ bày tỏ lo ngại về mức sản xuất cao của Trung Quốc, điều được các quốc gia này cho rằng sẽ phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu và sự ổn định thị trường.
Trước đó ngày 12/6, Ủy ban Châu Âu đã thông báo với các nhà sản xuất ô tô về việc áp dụng mức thuế bổ sung lên tới 38,1% đối với ô tô điện nhập khẩu của Trung Quốc từ tháng 7/2024, chưa đầy một tháng sau khi Washington tăng gấp 4 lần thuế đối với xe điện Trung Quốc lên 100%.