Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi được tổ chức tại thành phố St. Peterburg từ ngày 27-28/7. Ảnh: TASS |
Theo RT, ông Yury Ushakov, trợ lý Tổng thống Nga về các vấn đề quốc tế, cho biết, trong số 49 chính phủ châu Phi tham dự thượng đỉnh tại Nga, sẽ có 17 nguyên thủ quốc gia, 5 phó tổng thống, 4 người đứng đầu chính phủ và một người đứng đầu quốc hội.
17 quốc gia khác sẽ cử đại diện là các phó thủ tướng, ngoại trưởng và đại sứ. Chỉ có 5 quốc gia châu Phi không cử đại diện dự hội nghị thượng đỉnh.
"Tỷ lệ tham gia cao cho thấy châu Phi mong muốn tăng cường quan hệ với Nga, bất kể hoàn cảnh nào", ông Yury Ushakov khẳng định.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa), Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi (trái) và Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa (phải) chụp ảnh cùng các lãnh đạo các nước châu Phi tham dự Diễn đàn kinh tế và Hội nghị thượng đỉnh Nga - Châu Phi 2019 tại Sochi, tháng 10/2019. Ảnh: Sputnik |
Quan chức này cho biết, Tổng thống Vladimir Putin dự kiến sẽ có bài phát biểu trong phiên họp toàn thể có sự tham dự của các nguyên thủ quốc gia châu Phi. Ông Putin sẽ công bố một số sáng kiến của Nga nhằm giúp châu Phi "phát triển có chủ quyền", bao gồm tiếp cận lương thực, phân bón, công nghệ hiện đại và năng lượng.
"Tổng thống sẽ đưa ra một tuyên bố quan trọng và đánh giá tình trạng hiện tại của hệ thống quan hệ quốc tế, trong đó bao gồm sự hình thành trật tự thế giới mới, dựa trên nguyên tắc đa cực và bình đẳng giữa các quốc gia độc lập”, ông Ushakov nói với các phóng viên.
Theo trợ lý Tổng thống Nga, hội nghị thượng đỉnh sẽ có sự tham dự của các lãnh đạo các tổ chức khu vực quan trọng tại châu Phi, từ Liên minh châu Phi (AU) đến Ngân hàng Xuất nhập khẩu châu Phi (AEIB).
"Cuộc họp sẽ có phương châm giống Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên được tổ chức tại Sochi vào năm 2019: 'Vì hòa bình, an ninh và phát triển'. Ý tưởng chính là thúc đẩy hợp tác Nga - châu Phi và củng cố chủ quyền của các quốc gia châu Phi", ông Ushakov cho biết.
Trong khuôn khổ thượng đỉnh, các diễn đàn kinh tế và nhân đạo sẽ diễn ra song song, nhằm kết nối các doanh nhân, truyền thông, nhà khoa học và chuyên gia Nga và châu Phi trong các lĩnh vực khác nhau.
Ngày 26/7, Tổng thống Nga Putin sẽ đến St. Petersburg để hội đàm song phương với Thủ tướng Ethiopia và Tổng thống Ai Cập, đồng thời gặp người đứng đầu Ngân hàng Phát triển mới (NDB) Dilma Rousseff - cựu Tổng thống Brazil.
Trong cuộc xung đột Nga - Ukraine, các lãnh đạo châu Phi cũng từng tham gia vào nỗ lực xúc tiến hòa bình. Hồi tháng 6, phái đoàn châu Phi gồm các lãnh đạo các nước Nam Phi, Zambia, Comoros, Senegal và đại diện Congo, Ai Cập và Uganda đã thực hiện chuyến công du Kiev và Moscow, công bố kế hoạch hòa bình 10 điểm, nhằm nỗ lực nhằm hòa giải cuộc chiến đã kéo dài hơn một năm.
Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã bác bỏ sáng kiến hòa bình của Liên minh châu Phi (AU), tuyên bố Kiev không thể đàm phán với Nga và đóng băng cuộc xung đột.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin hoan nghênh các bên mong muốn hòa giải cuộc xung đột dựa trên các nguyên tắc công bằng và cân nhắc lợi ích hợp pháp. Nhưng ông Putin nói rằng không phải tất cả các điều khoản của sáng kiến hòa bình do lãnh đạo châu Phi đề xuất đều tương quan với lập trường của Nga.
Ông Putin nhấn mạnh phía Nga chưa bao giờ từ chối đàm phán với Ukraine nhưng chính phủ Ukraine bày tỏ sự không sẵn sàng thông qua sắc lệnh của Tổng thống Zelensky về việc cấm đàm phán với Moscow.