Hợp tác địa phương là trụ cột trong quan hệ Việt Nam - Nhật Bản

NHẬT BẢN Việt nAM
14:49 - 02/11/2023
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn tham quan các gian hàng tại hội nghị. Ảnh: Lê Hồng Nhung
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn tham quan các gian hàng tại hội nghị. Ảnh: Lê Hồng Nhung
0:00 / 0:00
0:00
Theo Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, giao lưu, hợp tác giữa các địa phương hai nước là một trụ cột quan trọng trong quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản.

Sáng ngày 2/11, Bộ Ngoại Giao phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức Hội nghị Gặp gỡ Nhật Bản 2023 nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước Việt Nam – Nhật Bản.

Tại sự kiện, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhận định, hợp tác Việt Nam - Nhật Bản đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất trong lịch sử quan hệ song phương. Hai bên đã đạt được sự tin cậy chính trị sâu sắc, hợp tác hiệu quả, thực chất trên mọi lĩnh vực.

Việt Nam vinh dự là điểm đến trong các chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi nhậm chức của các Thủ tướng Nhật Bản như cố Thủ tướng Shinzo Abe và Thủ tướng Suga Yoshihide vào các năm 2013 và 2020. Chuyến thăm Việt Nam đặc biệt của Hoàng Thái tử và Công nương Nhật Bản từ ngày 20-25/9/2023 đã tiếp tục gia tăng sự hiểu biết và tình cảm gắn bó, gần gũi giữa nhân dân hai nước, qua đó góp phần thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản phát triển lên tầm cao mới.

Trong hợp tác về kinh tế, Nhật Bản luôn là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Cụ thể, Nhật Bản là đối tác số một về ODA (với gần 30 tỷ USD, chiếm gần 1/3 tổng nguồn vay ODA của Việt Nam); là đối tác thứ hai về lao động, thứ ba về đầu tư và du lịch, thứ tư về thương mại.

Hội nghị Gặp gỡ Nhật Bản ngày 2/11 có sự tham gia của lãnh đạo các cơ quan, tổ chức kinh tế, thương mại, giáo dục, lao động, văn hóa, du lịch của Nhật Bản tại Việt Nam; lãnh đạo và doanh nghiệp thành viên các hiệp hội doanh nghiệp. Ảnh: Lê Hồng Nhung

Hội nghị Gặp gỡ Nhật Bản ngày 2/11 có sự tham gia của lãnh đạo các cơ quan, tổ chức kinh tế, thương mại, giáo dục, lao động, văn hóa, du lịch của Nhật Bản tại Việt Nam; lãnh đạo và doanh nghiệp thành viên các hiệp hội doanh nghiệp. Ảnh: Lê Hồng Nhung

Với nền chính trị ổn định, trong giai đoạn cơ cấu “dân số vàng”, thị trường tiêu dùng có tiềm năng và xu hướng dịch chuyển dây chuyền sản xuất của các nước phát triển vào khu vực Đông Nam Á, Việt Nam luôn phát huy vai trò là điểm đến đầu tư hàng đầu tại khu vực, thu hút sự quan tâm ngày càng lớn của các doanh nghiệp Nhật Bản.

Theo kết quả nghiên cứu của Tổ chức Xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (JETRO), 70% doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam có ý định tiếp tục và mở rộng hoạt động tại Việt Nam – đứng đầu khu vực châu Á và châu Đại Dương, 88% doanh nghiệp Nhật Bản kỳ vọng doanh thu tại Việt Nam sẽ tăng lên trong tương lai.

Ở chiều ngược lại, gần 500.000 người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản. Đây là cộng đồng người nước ngoài lớn thứ hai tại Nhật Bản, thể hiện ý nghĩa “đất lành chim đậu”. Đây vừa là nguồn lực đóng góp cho kinh tế - xã hội của Nhật Bản vừa là cầu nối quan trọng cho sự phát triển quan hệ hữu nghị Việt – Nhật.

Ảnh tác giả

Ảnh: Lê Hồng Nhung

“Những kết quả tốt đẹp này đã góp phần củng cố quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước, là tiền đề vững chắc để chúng ta tiếp tục khai thác các tiềm năng hợp tác mới, cùng nhau vun đắp cho mối quan hệ vững mạnh, tin cậy trong 50 năm tới”

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn

Tại hội nghị, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio cho rằng, năm nay không chỉ là kỷ niệm 50 năm về mặt số lượng mà còn là dịp để thế hệ sau nhìn lại cơ hội đưa quan hệ Nhật Bản - Việt Nam có những bước tiến lớn hướng tới tương lai và thế giới trên một sân chơi bình đẳng.

Đến hiện tại, quan hệ Việt Nam – Nhật Bản đang ở mức cao nhất mọi thời đại về chính trị, kinh tế và văn hóa. Trong đó, về mặt kinh tế, theo khảo sát gần đây nhất của JETRO, Việt Nam đứng thứ hai thế giới (sau Mỹ) mà các công ty Nhật Bản có kế hoạch mở rộng kinh doanh trong tương lai.

Ông Yamada Takio cho biết, có 3 điểm mà các công ty Nhật Bản chú trọng khi lựa chọn điểm đến đầu tư, bao gồm môi trường đầu tư, nguồn nhân lực và phổ biến thông tin.

“Chúng tôi tin rằng điều quan trọng là tạo ra một môi trường để các công ty Nhật Bản có thể yên tâm đầu tư như cung cấp nguồn điện ổn định, phát triển cơ sở hạ tầng liên quan đến cấp nước, thông tin liên lạc cũng như đơn giản hóa giấy phép đầu tư và thủ tục”, Đại sứ Yamado Takio đánh giá.

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamado Takio phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Lê Hồng Nhung

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamado Takio phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Lê Hồng Nhung

Hợp tác địa phương là trụ cột quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Nhật Bản

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhận định, cùng với xu thế phát triển chung của quan hệ hợp tác hai nước, giao lưu, hợp tác giữa các địa phương thời gian qua cũng phát triển mạnh mẽ, thực chất, ngày càng đi vào chiều sâu. Đây là một trụ cột quan trọng trong quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản.

Hiện có khoảng 100 cặp quan hệ cấp địa phương giữa Việt Nam – Nhật Bản đã được thiết lập với hơn 110 văn kiện hợp tác trong nhiều lĩnh vực như đầu tư, thương mại, lao động, đào tạo nguồn nhân lực, giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân.

Bộ Ngoại giao coi việc hỗ trợ các địa phương Việt Nam kết nối với các đối tác Nhật Bản là một nhiệm vụ quan trọng.

Trong 5 năm qua, bình quân mỗi năm Bộ Ngoại giao đã hỗ trợ 15-20 đoàn lãnh đạo đạo tỉnh, thành phố thăm làm việc tại Nhật Bản. Riêng năm 2023 có 40 đoàn. Trong năm kỷ niệm này, Bộ Ngoại giao cũng đã phối hợp, hỗ trợ nhiều địa phương như Thanh Hóa, Bình Định, Hà Nội, Bình Dương, Khánh Hòa, Hưng Yên và sắp tới là Bắc Ninh ngày 17/11 tổ chức các hoạt động kết nối với đối tác Nhật Bản trực tiếp tại địa phương.

Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, cùng với nỗ lực của Chính phủ, các địa phương Việt Nam thời gian qua đã có bước chuyển mình mạnh mẽ về cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cơ chế, chủ động ban hành các ưu đãi về đầu tư; tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế, đặc biệt với các đối tác lớn, quan trọng như Nhật Bản.

Tại Hội nghị, ngoài các gian hàng của doanh nghiệp còn có các gian hàng giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương như Cà Mau, Vĩnh Long, Hà Nam... Ảnh: Lê Hồng Nhung

Tại Hội nghị, ngoài các gian hàng của doanh nghiệp còn có các gian hàng giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương như Cà Mau, Vĩnh Long, Hà Nam... Ảnh: Lê Hồng Nhung

Người đứng đầu Bộ Ngoại giao nhận định, nền kinh tế hai nước hiện có tính bổ sung cho nhau, dư địa cho hợp tác, giao lưu giữa địa phương hai bên vẫn còn rất lớn, nhất là trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, giáo dục – đào tạo, hợp tác nguồn nhân lực, giao lưu văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân.

Trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao cùng các đơn vị chức năng và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Nhật Bản sẽ tiếp tục đồng hành, tích cực phối hợp, hỗ trợ các địa phương Việt Nam tăng cường kết nối, mở rộng giao lưu hữu nghị hợp tác với các đối tác Nhật Bản bằng nhiều hình thức và trên nhiều phương diện khác nhau.

Lãnh đạo cấp cao hai nước luôn nhấn mạnh hai nước cần chú trọng thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, lao động, ODA, đào tạo nguồn nhân lực; đẩy mạnh giao lưu địa phương, văn hóa, du lịch, giao lưu nhân dân và thế hệ trẻ hai nước.

Đọc tiếp