Hội thảo quốc tế chuyển đổi năng lượng công bằng và mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu. Ảnh: UNDP. |
Tại hội thảo quốc tế chuyển đổi năng lượng công bằng và mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu, Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt khẳng định chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Việt Nam là quyết tâm ứng phó với biến đổi khí hậu và xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và thân thiện với môi trường.
Lãnh đạo ngành ngoại giao Việt Nam đề cao các cam kết mạnh mẽ của quốc gia tại Hội nghị COP 26 và quyết định tham gia Quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với một số nước G7 cùng các đối tác quốc tế. Các cam kết này vừa giúp Việt Nam phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong nước, vừa chung tay cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt cũng đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc tăng cường hợp tác quốc tế và chia sẻ kinh nghiệm đối với các nỗ lực chuyển đổi năng lượng công bằng.
Ảnh: UNDP "Các quốc gia phát thải nhiều khí nhà kính trong quá khứ cần thực hiện trách nhiệm lịch sử của mình và hỗ trợ các nước đang phát triển về tài chính, công nghệ và nâng cao năng lực, chuyển đổi năng lượng tại các nước đang phát triển cần có lộ trình phù hợp và tính đến điều kiện và hoàn cảnh của từng quốc gia”.
Bên cạnh đó, nhấn mạnh quá trình chuyển đổi năng lượng cần công bằng, Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cho rằng, mỗi quốc gia cần quan tâm đầy đủ đến quyền lợi của mọi người dân và không để ai bị bỏ lại phía sau.
Quá trình chuyển đổi năng lượng cần bảo đảm lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh năng lượng, bảo đảm người dân được tiếp cận năng lượng với giá cả phải chăng, hỗ trợ cho những người bị tác động bởi quá trình chuyển đổi.
Huy động nguồn lực cho chuyển đổi công bằng
Khái quát về định hướng chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhìn nhận, Việt Nam đang giữ vị trí cao thứ 18 trên thế giới về lượng phát thải từ năng lượng hóa thạch, đặt ra nhiều thách thức đối với quyết tâm đưa phát thải ròng về “0” năm 2050.
Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ từ sau Hội nghị COP 26. Về lộ trình giảm phát thải, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các Bộ/ngành đã có nhiều tính toán kỹ thuật theo từng dấu mốc, đưa vào chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 7/2022 với nguồn lực lớn.
“Kế hoạch huy động nguồn lực của Việt Nam sẽ là khung pháp lý dài hạn tạo cơ hội đầu tư năng lượng tái tạo, giảm dần điện than của Việt Nam với sự tham gia của cộng đồng quốc tế, đảm bảo người dân được thụ hưởng những kết quả này. Đây cũng là cơ hội đổi mới công nghệ, đàm phán dừng các nhà máy điện than cũ, phát triển trung tâm năng lượng tái tạo của Việt Nam”, ông Phạm Văn Tấn khẳng định.
Riêng về triển khai năng lượng tái tạo, theo ông Tấn, Việt Nam sẽ duy trì lưới điện và lưu trữ năng lượng với các lưới điện đáng tin cậy. Việt Nam cũng có định hướng kiến phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo và sản xuất pin lưu trữ.
Chia sẻ kinh nghiệm của quốc tế với Việt Nam, bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam cho biết, tài chính về khí hậu và sáng tạo ở cả khu vực tư, khu vực công, trong và ngoài nước có tầm quan trọng hàng đầu trong quá trình chuyển đổi năng lượng.
Ảnh: UNDP "Các chính phủ có thể tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư tư nhân bằng cách đưa ra các cơ chế định giá và quy định minh bạch, cũng như thông qua các khoản đầu tư công chiến lược vào cơ sở hạ tầng thiết yếu”.
Bên cạnh đó, bà Ramla Khalidi cũng khuyến nghị, đối với các nước đang phát triển, quá trình chuyển đổi năng lượng cần phải công bằng, bình đẳng để họ có thể chuyển đổi bền vững sang nền kinh tế carbon thấp và thiết lập quỹ đạo thích ứng với biến đổi khí hậu.
“Quá trình chuyển đổi năng lượng phải công bằng, toàn diện cho người lao động, cộng đồng địa phương và những người bị ảnh hưởng thông qua việc tạo ra các cơ hội kinh tế mới, tạo việc làm và đào tạo lại kỹ năng, xây dựng năng lực và tăng cường mạng lưới an sinh xã hội”, bà Ramla Khalidi khuyến nghị.
Hội thảo có sự góp mặt của các đại biểu cấp cao từ chính phủ ba quốc gia có quan hệ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETPs): Nam Phi, Indonesia và Việt Nam, cùng các đại biểu đến từ 7 quốc gia đang phát triển khác có mối quan tâm mạnh mẽ đến quá trình chuyển đổi năng lượng, nhằm tạo ra một diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm học hỏi lẫn nhau.
Hội thảo cũng quy tụ đại diện của Nhóm Đối tác Quốc tế (IPG), Liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (GFANZ), các đối tác phát triển.