Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN |
Nuôi biển đang ngày đóng vai trò trong bức tranh phát triển nuôi trồng thủy sản của Việt Nam, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1664/QĐ-TTg phê duyệt Đề án nuôi biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích nuôi biển đạt 280.000ha, sản lượng 850.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu 0,8 - 1 tỷ USD. Đến 2030, diện tích nuôi biển đạt 300.000ha, sản lượng 1,45 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 - 2 tỷ USD.
Định hướng phát triển ngành nuôi biển của Việt Nam thời gian tới là phát triển nuôi biển công nghiệp với công nghệ tiên tiến, quy hoạch chặt chẽ, phương thức quản lý hiện đại. Phát triển nuôi biển cả trong vùng ven bờ, trên vùng biển xa bờ, ngoài khơi xa và cả trên bờ, phát huy đa dạng sinh học của vùng nhiệt đới. Tích hợp nguồn lực kinh tế kỹ thuật các ngành dầu khí, đóng tàu, vận tải biển, cơ khí hệ sinh thái, bảo đảm phát triển bền vững, hiện đại.
Để làm được điều này, việc chia sẻ giữa các quốc gia phát triển được coi là yếu tố để Việt Nam có nhiều hơn những kinh nghiệm trong việc thực hiện phát triển ngành nuôi biển.
Tại Cuộc họp chia sẻ kinh nghiệm của Na Uy trong phát triển thương hiệu quốc gia cho nuôi biển Việt Nam diễn ra chiều ngày 5/6, Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân nhận định, mặc dù chỉ với con cá hồi nhưng Na Uy vẫn vươn lên là nước xuất khẩu thủy sản lớn thứ hai thế giới (sau Trung Quốc). Quốc gia này đã có một quá trình tổ chức từ ngành nuôi biển nhỏ lẻ như Việt Nam đến ngành nuôi biển có thương hiệu và Na Uy có thể đáp ứng tất cả các yêu cầu cao trên thị trường quốc tế đối với mặt hàng thủy sản.
Chia sẻ nhiều hơn về sự hợp tác thời gian qua, Cục trưởng Trần Đình Luân cho rằng, hai bên đã có thời gian dài hợp tác trong lĩnh vực thủy sản. Từ những năm 1999, Na Uy đã có nhiều dự án tại Việt Nam, trong đó bao gồm hợp tác để Việt Nam có mô hình nuôi biển công nghiệp đầu tiên, hỗ trợ nghiên cứu chọn giống phòng ngừa dịch bệnh, hỗ trợ nuôi biển công nghiệp.
Từ những mô hình đã có, Việt Nam tiếp tục trong giai đoạn mới với Na Uy, để giúp xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật, từ đó làm tiền đề hỗ trợ phát triển nuôi biển.
“Mong muốn lớn nhất là từ những định mức, quy định đó để làm căn cứ cho thành phần kinh tế khác như bảo hiểm, vay vốn hay các lĩnh vực khác hỗ trợ nông nghiệp Việt Nam”, Cục trưởng Trần Đình Luân bày tỏ.
Theo Cục trưởng, trong khi Na Uy có cá hồi, Việt Nam ít nhất có con cá vược, đây được coi là tiềm năng phát triển khi sản phẩm này không mang tính cạnh tranh với Na Uy. Những công nghệ, kinh nghiệm từ phát triển cá hồi của Na Uy hoàn toàn có thể giúp Việt Nam trong nỗ lực xây dựng khai thác tiềm năng công nghệ nuôi biển.
Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN “Việt Nam mong muốn nhận được sự hỗ trợ để ngành nuôi biển phát triển, khai thác tiềm năng kinh tế biển, từ đó nâng cao đời sống của người nông dân ven biển. Đây cũng là điều kiện để giảm khai thác ven bờ, tăng khai thác, bảo tồn nguồn lợi thủy sản và giúp đại dương sạch. Na Uy hiện được biết đến là quốc gia đi đầu trong bảo vệ đa dạng sinh học, do đó Việt Nam - Na Uy cùng chung tay hiện thực hóa mục tiêu chung về phát triển sinh kế, khai thác tốt tiềm năng.
Chúng tôi mong muốn chia sẻ kinh nghiệm này để có những thông tin và tiếp tục phát huy để sản phẩm nuôi biển của Việt Nam có vị trí mơ ước"
Trong khi đó, bà Mette Møglestue - Phó Đại sứ Nauy tại Hà Nội đánh giá cao mục tiêu của Việt Nam trong lĩnh vực nuôi biển, bao gồm giảm cường độ đánh bắt tài nguyên thiên nhiên biển, tăng cường nuôi trồng thủy sản ở khu vực thích hợp… Việt Nam đang ở vị thế tốt để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, để khai thác tiềm năng và sử dụng tài nguyên đại dương có trách nhiệm bền vững.
Theo bà Mette Møglestue, hai nước có lịch sử hợp tác vài thập kỷ trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Năm 2021, Nghị định thư về việc tăng cường hợp tác thương mại trong lĩnh vực nuôi biển và thương mại hải sản đã được ký kết giữa Bộ NN&PTNT và Bộ Thương mại, Thủy sản Na Uy
Mới đây, trong tháng 4 vừa qua, Thứ trưởng NN&PTNT Phùng Đức Tiến đã có chuyến thăm tới Oslo (Na Uy). Trong khuôn khổ, Thứ trưởng đã có cuộc họp với Quốc vụ khanh của Bộ Thương mại, Thủy sản Na Uy, hai bên đã thỏa thuận chi tiết về vấn đề hợp tác hướng tới phát triển thủy sản bền vững, tuân thủ và kiểm soát, quản lý nghề cá và cuộc chiến chống khai thác trái phép.
Trong cuộc gặp ở Oslo, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến và Đại sứ Na Uy tại Hà Nội cho rằng, hai bên tiếp tục hợp tác song phương thông qua chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi chuyên gia cũng như khuyến khích chuyển giao công nghệ nuôi trồng thủy sản, phát triển bền vững.
“Theo đó, Na Uy sẽ hỗ trợ kỹ thuật trong việc xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật về nuôi cá biển, quy mô công nghiệp và chia sẻ kinh nghiệm cũng như thành công trong xây dựng thương hiệu quốc gia trên thị trường quốc tế”, bà Mette Møglestue khẳng định.
Phó Đại sứ Đại sứ quán Na Uy tại Hà Nội Mette Møglestue thông tin về sự hợp tác trong lĩnh vực thủy sản giữa Việt Nam - Na Uy tại cuộc họp. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN |
Rõ hơn về vấn đề thương hiệu, ông Asbjørn Warvik Rørtveit - Giám đốc Hội đồng thủy sản Na Uy khu vực Châu Á cho rằng, Na Uy chia sẻ câu chuyện vào hải sản để lý giải cho người tiêu dùng biết tại sao lựa chọn hải sản Na Uy, hải sản Na Uy được tạo ra như thế nào... “Chúng ta kể về câu chuyện chứ không chỉ đơn giản là con cá hồi, cần tạo ra giá trị để người tiêu dùng biết nguồn gốc của sản phẩm từ đâu”, ông Asbjørn Warvik Rørtveit nhấn mạnh.
Tuy nhiên, cũng theo ông Asbjørn Warvik Rørtveit, truyền thông xây dựng nhiều giá trị nhưng không thể so được với chất lượng – bởi đây là cốt lõi của sản phẩm.
Hiện các doanh nghiệp thủy sản của Na Uy tập trung vào phát triển sản phẩm, làm sao để tạo ra giá trị cao nhất, trong khi đó truyền thông tạo ra câu chuyện và tăng một phần nhỏ giá trị.
“Nếu chúng ta giảm số lượng bán ra sản phẩm không được chế biến, tăng sản phẩm chế biến, khi đó đã tạo ra giá trị. Điều này bao giờ cũng lớn hơn những gì mà truyền thông mang lại”, ông Asbjørn Warvik Rørtveit tiếp tục khẳng định về tầm quan trọng của chất lượng sản phẩm.