Cụ thể, Huawei đã cấp phép công nghệ chính cho các nhà sản xuất ô tô hàng đầu, bao gồm Mercedes Benz, BMW, Audi và Porsche. Các thoả thuận cấp phép bằng sáng chế này được ký kết trong nửa cuối năm 2022. Điều này có nghĩa, các công nghệ của Huawei sẽ được sử dụng với 15 triệu trong tổng 70 triệu chiếc ô tô được sản xuất trên toàn cầu mỗi năm. Ngoài 4 nhà sản xuất ô tô của Đức, Huawei cũng ký thỏa thuận cấp phép với Subaru của Nhật Bản, Renault của Pháp, Lamborghini của Italy và Bentley của Anh.
Thông báo này được đưa ra sau khi Huawei vừa mới công bố các thoả thuận tương tự với Samsung Electronics và nhà sản xuất điện thoại Oppo.
Ngoài ra, Huawei cũng được cấp bằng sáng chế để phát triển máy in khắc tia cực tím (EUV) của riêng mình. EUV sẽ được sử dụng để khắc các mẫu mạch trên tấm wafer, cùng với hàng tỷ bóng bán dẫn bên trong chip.
Theo Nikkei Asia, ông Alan Fan, Giám đốc bộ phận sở hữu trí tuệ của Huawei cho biết: "Bằng sáng chế là công khai và không nằm trong diện bị kiểm soát xuất khẩu. Chúng tôi cũng có thoả thuận với các công ty Mỹ để cấp phép chéo, và các biện pháp kiểm soát xuất khẩu không gây ảnh hưởng gì".
Huawei đã ký hơn 20 thoả thuận cấp phép bằng sáng chế mới hoặc gia hạn trong năm 2022, bao gồm các công nghệ cho điện thoại thông minh, phương tiện có kết nối mạng, mạng và IoT (Internet vạn vật).
"Chỉ tính riêng trong ngành công nghiệp xe hơi, chúng tôi đã đạt được thoả thuận với khoảng 15 nhà sản xuất ô tô để sử dụng các công nghệ không dây tiên tiến của chúng tôi. Điều quan trọng nhất là các bằng sáng chế của Huawei đang tạo ra giá trị theo nhiều cách khác nhau”, Giám đốc Alan Fan nói thêm.
Nhìn chung, ngay cả khi Huawei đang sản xuất ít thiết bị hơn, công ty vẫn được trả tiền từ các thỏa thuận cấp phép chéo của mình.
Động thái trên của Huawei được cho là đang nỗ lực tìm cách biến kho bằng sáng chế của công ty trở thành một nguồn doanh thu mới trong bối cảnh Mỹ siết chặt hoạt động kinh doanh cốt lõi của công ty.
Hồi tháng 4, người sáng lập Huawei là ông Ren Zhengfei đã yêu cầu bộ phận Sở hữu trí tuệ (IP) tăng cường nỗ lực chuyển đổi nguồn bằng sáng chế khổng lồ thành doanh thu thông qua “giá cả hợp lý và” tạo ra lợi nhuận phù hợp” cho các khoản đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D).
Tổng doanh thu từ việc cấp phép bằng sáng chế đạt khoảng 1,3 tỷ USD từ năm 2019 đến năm 2021. Năm 2021, lần đầu tiên thu nhập từ tiền bản quyền của Huawei cao hơn chi phí mà họ phải trả để dùng công nghệ từ các công ty khác.
Tuy nhiên, về phía ông Fan bày tỏ sự không đồng tình với việc xem cấp phép sở hữu trí tuệ là một hoạt động kinh doanh hoặc dựa vào nó như một nguồn doanh thu chính.
Huawei đã tích luỹ được vô số bằng sáng chế, đặc biệt là đối với các công nghệ liên quan đến mạng không dây 5G. Theo Viện nghiên cứu sở hữu trí tuệ NGB của Nhật Bản, TSMC đã dẫn đầu về số lượng “họ” sáng chế 5G, theo sau là Qualcomm, Samsung và LG Electronics.
Tích lũy những bằng sáng chế quan trọng đã trở thành chiến trường thương mại để các công ty đa quốc gia hàng đầu thể hiện sức mạnh công nghệ của chính họ và cạnh tranh với các đối thủ.