Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto. Ảnh: AP |
RT đưa tin, trong cuộc phỏng vấn với Đài phát thanh Kossuth ngày 3/3, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết ông đã “nghe trong nhiều tháng qua” về việc quân đội Ukraine đang giành được lợi thế trên chiến trường, “từ đó họ có thể bắt đầu đàm phán với một vị thế tốt hơn”.
“Trong những tuần gần đây, rõ ràng là kịch bản này đã thất bại. Thời điểm này đang nghiêng về phía Nga,” ông Szijjarto nói. Nhà ngoại giao Hungary đồng thời cảnh báo rằng “lệnh ngừng bắn và các cuộc đàm phán bắt đầu càng muộn thì điều đó sẽ càng tồi tệ hơn đối với Ukraine”.
“Chúng tôi cũng đã nói rõ rằng cuộc chiến này càng kéo dài thì chúng ta càng tiến gần đến mối nguy hiểm kinh hoàng mang tên Chiến tranh thế giới thứ 3,” Ngoại trưởng Peter Szijjarto nhấn mạnh.
Nga và Ukraine chưa bình luận về tuyên bố của ông Szijjarto.
Ngay từ khi cuộc xung đột Nga – Ukraine nổ ra, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Washington sẽ trang bị vũ khí cho Kiev nhằm “tăng cường sức mạnh để đạt được giải pháp ngoại giao công bằng trên bàn đàm phán”. Các nhà ngoại giao EU cũng đưa ra quan điểm tương tự, nhấn mạnh rằng chỉ Ukraine mới có thể quyết định thời điểm tham gia đàm phán với Nga.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Ảnh: AFP |
Trong khi đó, Thủ tướng Hungary Viktor Orban và Ngoại trưởng Peter Szijjarto đã kêu gọi các bên ngừng bắn và đàm phán từ năm 2022. Hồi tháng 2, Thủ tướng Orban nói với các thành viên trong đảng Fidesz của ông rằng “hầu như không ai tin” Ukraine sẽ chiến thắng trong xung đột.
“Cuộc chiến sẽ không kết thúc. Gánh nặng của châu Âu sẽ trở nên nặng nề hơn vì hỗ trợ tài chính cho Ukraine sẽ giảm do cuộc bầu cử tổng thống Mỹ,” ông Orban nói.
Vài tuần trước, khi Ukraine mất kiểm soát thành trì chủ chốt ở Donbass là Avdiivka, nhà lãnh đạo Hungary tuyên bố rằng: “Thời thế đang nghiêng về phía Nga. Cuộc chiến càng kéo dài thì càng có nhiều người chết và cán cân quyền lực sẽ không thay đổi theo hướng có lợi cho Ukraine”.
Trong cuộc họp báo ngày 3/3 ở Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định Moscow không từ bỏ ý tưởng đàm phán hòa bình với Kiev nhưng nhận thấy Ukraine và các nước phương Tây không có mong muốn thực sự về điều này. Nga chưa thấy bất kỳ đề xuất đàm phán “nghiêm túc” nào kể từ thỏa thuận hòa bình Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) mùa xuân 2022 thất bại, ông Lavrov cho hay.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu trước phái đoàn Nga - Ukraine tại cuộc đàm phán hòa bình ở Istanbul, ngày 29/3/2022. Ảnh: Reuters |
Ông David Arakhamia - nhà đàm phán hàng đầu của Ukraine tại cuộc đàm phán ở Istanbul, từng tiết lộ rằng cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson đã tới Kiev và thuyết phục Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky rút khỏi đàm phán. Tuy nhiên, ông Johnson phủ nhận vai trò trong việc này.
Vào tháng 10/2022, sau khi Nga tiến hành sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraine gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia, Tổng thống Ukraine Zelensky ký sắc lệnh loại trừ mọi khả năng đàm phán với Tổng thống Nga Putin. Ông cũng đã công bố “Công thức hòa bình 10 điểm” của Ukraine, trong đó yêu cầu quân đội Nga phải rút khỏi lãnh thổ Ukraine, từ bỏ 4 vùng tuyên bố sáp nhập, cũng như bán đảo Crimea (được sáp nhập vào Nga từ năm 2014).
Tuy nhiên, Nga đã bác bỏ kế hoạch hòa bình này, nhấn mạnh rằng những đề xuất từ Ukraine cần tính đến "tình hình thực tế" của liên quan đến lãnh thổ Nga (bao gồm các vùng được sáp nhập). Mặt khác, Moscow đã nhiều lần khẳng định sẵn sàng giải quyết xung đột thông qua đàm phán hòa bình, trong khi Kiev không có thái độ tương tự.
Đầu tháng này, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết nếu Nga và Ukraine quay trở lại bàn đàm phán thì các cuộc đàm phán sẽ không giống như trước, vì Kiev sẽ phải chấp nhận “thực tế mới” về lãnh thổ.