Chương trình nông thôn mới đạt nhiều kết quả trong giai đoạn 2021 - 2023. Ảnh: Cổng TTĐT Kon Tum. |
Tại Hội nghị Hội nghị Sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 ngày 17/7, ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương đã thông qua báo cáo tổng kết các mặt của Chương trình.
Cụ thể, Chương trình nông thôn mới đã huy động được nguồn vốn lớn sau 3 năm thực hiện. Năm 2021, cả nước huy động được khoảng 602.603 tỷ đồng từ các nguồn lực để đầu tư thực hiện Chương trình. Tính đến tháng 12/2022, theo số liệu báo cáo của các địa phương, cả nước huy động được khoảng 744.723 tỷ đồng từ các nguồn lực để đầu tư thực hiện Chương trình, tăng 24% so với năm 2021.
Năm 2023, theo số liệu báo cáo của các địa phương, tính đến tháng 6/2023, cả nước huy động được khoảng 404.618 tỷ đồng từ các nguồn lực để đầu tư thực hiện Chương trình này. Như vậy, tổng nguồn lực huy động thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2023 đạt khoảng 1,75 triệu tỷ đồng.
Toàn cảnh Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện CTMTQG Xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Ảnh: MARD. |
Trong đó, vốn ngân sách Trung ương đóng vai trò “vốn mồi”, hỗ trực trực tiếp thực hiện Chương trình chiếm khoảng 1,2%; ngân sách địa phương các cấp khoảng 9,9%; vốn lồng ghép từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án khác thực hiện trên địa bàn nông thôn khoảng 8,1%.
Vốn tín dụng khoảng 74,1%; vốn doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức kinh tế khoảng 4,0%; người dân và cộng đồng đóng góp tự nguyện khoảng 2,8%.
Đặc biệt, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách Trung ương cao nhất trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Tuy nhiên, theo ông Sơn, tiến độ giải ngân kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2022, bao gồm cả kế hoạch vốn năm 2021 chuyển sang thực hiện năm 2022 và giai đoạn 2021 - 2025 còn chậm. Nhiều địa phương chưa thực hiện việc giải ngân ngay sau khi hoàn thành công tác giao kế hoạch vốn.
Bên cạnh đó, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai mạnh mẽ. Nhờ đó, ngành nghề nông thôn và du lịch nông thôn cũng phát triển mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Trong 3 năm qua, cả nước đã có 63/63 tỉnh/thành phố đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Đến tháng 7/2023, có 9.852 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Trong đó, 66,9% sản phẩm 3 sao; 32,2% sản phẩm 4 sao; 0,6% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 42 sản phẩm 5 sao. Các sản phẩm OCOP đang từng bước khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường, được người dân tín nhiệm.
Thông qua chương trình OCOP, có 6.397 xã chiếm 78,2% đạt tiêu chí về tăng thu nhập; 7.460 xã chiếm 91,2% đạt tiêu chí về lao động; 6.760 xã chiếm 82,7% đạt tiêu chí tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh, xây dựng nông thôn mới là một cuộc cách mạng về tư duy, nhận thức, nhằm khắc phục sự xung đột mâu thuẫn trong quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa nông thôn.
"Xây dựng nông thôn mới không chỉ là nâng cấp cơ sở vật chất khang trang mà còn là bảo tồn giá trị văn hóa, di sản. Các tỉnh cần coi giá trị nông thôn như di sản, tài sản quý giá, từ đó xây dựng chiến lược du lịch làng nghề, nông thôn, bảo vệ và phát huy văn hóa”.
Điển hình là chương trình OCOP, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhắc nhở, không nên chỉ dừng lại ở chấm thi và xếp hạng, mà phải thật sự đưa giá trị đến cộng đồng, để người tiêu thụ có tư duy tôn trọng hương vị địa phương.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề xuất mỗi tỉnh nên có trung tâm xúc tiến thương mại, đầu tư và yêu cầu tham mưu, bổ sung cho trung tâm này chức năng huấn luyện người dân khởi nghiệp, làm sản phẩm nông nghiệp, tạo sân chơi cho chính những chủ thể OCOP trở thành thầy giáo đào tạo.