Các thanh sát viên Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã đến thăm 3địa điểm ở Ukraine. Ảnh: EPA |
Reuters đưa tin, trong một tuyên bố ngày 3/11, IAEA cho biết: "Trong vài ngày qua, các thanh sát viên đã có thể thực hiện tất cả các hoạt động mà IAEA đã lên kế hoạch và được phép tiếp cận các địa điểm một cách không bị hạn chế".
"Dựa trên đánh giá khoa học và kỹ thuật về các kết quả mà các thanh sát viên thu thập cho đến nay và thông tin do Ukraine cung cấp, IAEA không tìm thấy bất kỳ dấu hiệu nào về các hoạt động và vật liệu hạt nhân chưa được khai báo tại 3 địa điểm này", cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc cho biết.
Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi. Ảnh: Getty Images |
Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi cho biết các thanh sát viên cũng đã lấy các mẫu môi trường để phân tích trong phòng thí nghiệm và sẽ báo cáo về kết quả lấy mẫu môi trường trong thời gian sớm nhất có thể.
Tuần này, các thanh sát viên IAEA đã tiến hành các cuộc thanh sát theo yêu cầu của Kiev tại Viện nghiên cứu hạt nhân ở Kiev, Nhà máy Khai thác và Chế biến miền Đông ở Zhovti Kody và Nhà máy Chế tạo máy của Hiệp hội sản xuất Pivdennyi ở Dnipro. Chính phủ Ukraine đã gửi yêu cầu bằng văn bản đến IAEA, trong đó đề nghị cơ quan này thực hiện cuộc kiểm tra tại 2 cơ sở hạt nhân của Kiev, nhằm làm sáng tỏ cáo buộc của Nga rằng nước này có kế hoạch về "bom bẩn".
Trước đó, trong một bức thư gửi Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres và Hội đồng Bảo an hôm 24/10, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia tuyên bố: "Chúng tôi sẽ coi việc sử dụng 'bom bẩn' của chính quyền Ukraine là một hành động khủng bố hạt nhân".
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu đã gọi điện cho những người đồng cấp ở Mỹ, Anh, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Trung Quốc để cảnh báo về khả năng Ukraine có thể “có hành động khiêu khích” bằng “bom bẩn”. Trong một bài phát biểu, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đề cập đến hai cơ sở hạt nhân của Ukraine và nói thêm rằng “Kiev đang cố gắng che đậy dấu vết của họ trước chuyến thăm của IAEA”.
Giới chức Kiev đã tiếng phủ nhận những cáo buộc này. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba chỉ trích những cáo buộc về "bom bẩn" của Nga "vừa vô lý vừa nguy hiểm", cho rằng các cáo buộc trên cho thấy Moscow vốn đã ấp ủ kế hoạch về quả “bom bẩn” như vậy”. Ông Kuleba nhấn mạnh rằng Ukraine là một thành viên NPT (Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân) và cam kết không sở hữu hay có kế hoạch mua bất kỳ quả ‘bom bẩn’ nào.
Hiện tại Moscow chưa cung cấp bằng chứng cho những cáo buộc trên.
IAEA tuần trước nói rằng họ đã từng thanh sát 1 trong 2 địa điểm trên một tháng trước đó và không phát hiện các hoạt động hay vật liệu hạt nhân đáng nghi ngờ tại đây.
"Bom bẩn" là loại bom sử dụng chất nổ thông thường trộn với vật liệu hạt nhân, nhằm phát tán chất phóng xạ trên một khu vực rộng lớn. Mặc dù nó không có sức mạnh như đầu đạn hạt nhân, nhưng “bom bẩn” có thể phân tán một đám mây bức xạ trong vòng vài km sau vụ nổ.