IFC và TTC AgriS ký kết thỏa thuận đầu tư trị, ngày 16/6. Ảnh: IFC. |
Ngày 16/6, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) vừa công bố hai khoản đầu tư mới vào các lĩnh vực bán lẻ và kinh doanh nông nghiệp của Việt Nam.
Cụ thể, IFC và Sơn Kim Retail đã ký kết thỏa thuận đầu tư trị giá 20 triệu USD (tương đương 460 tỷ đồng) nhằm mục tiêu mở rộng mạng lưới bán lẻ GS25 Việt Nam thuộc Tập đoàn Sơn Kim Retail.
Khoản đầu tư của IFC sẽ giúp GS25 Việt Nam – mạng lưới liên doanh giữa SonKim Retail và GS Retail của Hàn Quốc mở thêm 500 cửa hàng tiện lợi trên toàn quốc vào năm 2025.
Ông James Michael Kershek, Tổng Giám đốc SonKim Retail cho biết, hợp tác này sẽ giúp SonKim Retail phát triển lĩnh vực bán lẻ nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng của nhóm khách hàng đô thị về thực phẩm và các bữa ăn sơ chế sẵn an toàn và các sản phẩm thực phẩm tươi sống chất lượng.
Hỗ trợ cho nỗ lực này của GS25 Việt Nam, IFC sẽ tư vấn cho hệ thống tăng cường áp dụng các thông lệ an toàn thực phẩm tại cửa hàng, giảm thất thoát và lãng phí thực phẩm.
IFC và Sơn Kim Retail đã ký kết thỏa thuận đầu tư trị giá 20 triệu USD. Ảnh: IFC. |
Bên cạnh đó, IFC và Ngân hàng Sumitomo Mitsui Corporation (SMBC) sẽ đồng cung cấp khoản vay được bảo lãnh bằng hàng hoá trị giá 40 triệu USD cho CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC AgriS).
Việc mở rộng mạng lưới dự kiến sẽ tạo ra tới 6.000 việc làm trực tiếp (với hơn 60% số việc làm là dành cho phụ nữ), cùng hàng nghìn việc làm gián tiếp khi công ty tăng cường thu mua thực phẩm được sản xuất tại địa phương.
Đối với TTC AgriS, đây là khoản vay được bảo lãnh bằng hàng hóa trong kho đầu tiên do IFC và Ngân hàng SMBC cung cấp. Khoản vay này được cung cấp theo Chương trình Tài trợ Kho hàng toàn cầu (GWFP) của IFC.
Khoản tài trợ này sẽ đặc biệt giúp thúc đẩy thị trường tài trợ kho hàng ở Việt Nam, khuyến khích các ngân hàng trong nước tham gia vào chuỗi giá trị kinh doanh nông nghiệp để tối ưu hóa các cơ hội tài trợ trong ngành, theo IFC.
Bà Đặng Huỳnh Ức My, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị TTC AgirS cho biết, giải pháp tài trợ này sẽ là tiền đề cho phép TTC AgriS nhận các khoản vay thông qua việc sử dụng nguyên liệu thô làm tài sản đảm bảo.
Điều này giúp TTC AgriS chủ động và linh hoạt hơn trong việc thu mua, dự trữ, và phân phối nguyên vật liệu và hàng hóa, hướng đến một hệ thống tối ưu đạt được hiệu quả cao nhất.
“Chúng tôi tin tưởng rằng sự hợp tác với IFC và ngân hàng SMBC sẽ là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển nền kinh tế tuần hoàn của TTC AgriS, phù hợp với định hướng chuyển đổi mô hình kinh tế nông nghiệp thông minh tích hợp để khẳng định vị thế dẫn đầu thị trường tại Việt Nam và trong khu vực”, bà My tin tưởng.
Chương trình Tài trợ kho hàng toàn cầu được triển khai nhằm tăng cường nguồn vốn lưu động cho các nhà sản xuất hoặc kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp, bằng cách sử dụng hàng hóa trong kho làm tài sản đảm bảo. Được triển khai vào năm 2010, tính đến nay, chương trình này đã tài trợ hơn 10 tỷ USD trên phạm vi toàn cầu.
Chia sẻ về 2 khoản đầu tư mới, ông Thomas Jacobs, Giám đốc Quốc gia IFC tại Việt Nam, Campuchia và Lào khẳng định, IFC ưu tiên lĩnh vực kinh doanh nông nghiệp bởi những tác động to lớn về mặt phát triển và xóa đói giảm nghèo mà ngành này có thể mang lại.
“Hai khoản đầu tư mới của chúng tôi sẽ giúp đa dạng hóa nhiều loại sản phẩm và dịch vụ tốt hơn cho người tiêu dùng, hỗ trợ các nhà sản xuất địa phương và tạo thuận lợi cho dòng chảy giao thương hàng hoá, tăng cường khả năng phục hồi và chống chịu của ngành nông nghiệp trong tương lai”, ông Thomas Jacobs nhấn mạnh.
Theo ông Thomas Jacobs, điều này sẽ góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của chuỗi giá trị kinh doanh nông nghiệp của Việt Nam, tạo thêm nhiều việc làm và cải thiện sinh kế của người dân.