Tổng thống đắc cử Indonesia Prabowo Subianto. Ảnh: AFP |
Theo CNA, Tổng thống đắc cử Indonesia Prabowo Subianto cho biết kế hoạch tiếp nhận người tị nạn Palestine ở Gaza đến học tập tại Đông Java lần đầu được đề xuất bởi bà Java Khofifah Indar Parawansa - cựu Thống đốc Đông Java.
Hiện vẫn chưa biết Indonesia sẽ tiếp nhận người tị nạn từ Gaza như thế nào, nhưng ông Prabowo nói rằng ông sẽ phối hợp với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc và lãnh đạo các nước khác về đề xuất này.
Theo ông Prabowo, ngoài Đông Java, Tây Java cũng bày tỏ sự sẵn sàng tiếp nhận người tị nạn từ Gaza và đưa họ đến các trường nội trú Hồi giáo để học tập. Theo dữ liệu năm 2023 của Bộ Tôn giáo Indonesia, có hơn 39.000 trường nội trú Hồi giáo trên cả nước.
Cựu Thống đốc Đông Java Khofifah Indar Parawansa, đồng thời là Chủ tịch cánh phụ nữ của tổ chức Nahdlatul Ulama (NU), cho biết bà đã phối hợp với các trường nội trú Hồi giáo ở Đông Java để chăm sóc và giáo dục trẻ em từ các vùng lãnh thổ của Palestine. NU là tổ chức Hồi giáo lớn nhất Indonesia.
Ngoài ra, bà Khofifah cũng cho biết một số trường đại học ở Đông Java cũng sẵn sàng cấp học bổng cho những người tị nạn này. “Chúng tôi đã liên lạc với Đại sứ Palestine và các trường đại học này (Đại học Islam Malang/Unisma) sẵn sàng cung cấp 50 học bổng đại học, sau đại học và tiến sĩ cho sinh viên Palestine”, bà cho hay.
Hiện trường cuộc không kích của Israel vào một trường học của Cơ quan Cứu trợ và Việc làm cho người tị nạn Palestine ở Cận Đông của Liên Hợp Quốc (UNRWA) tại trại Nuseirat, miền trung Gaza, ngày 6/6. Ảnh: CNN |
Kể từ tháng 11/2023, Indonesia đã cung cấp học bổng giáo dục cho sinh viên Palestine. Tờ Arab News đưa tin, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) đã hợp tác với các trường đại học ở Pakistan để cung cấp học bổng cho hơn 5.000 sinh viên Palestine. Ngoài hỗ trợ giáo dục, Chính phủ Indonesia cũng có kế hoạch chữa trị cho hơn 1.000 người Palestines bị thương bởi các cuộc tấn công của Israel ở Dải Gaza.
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi nói rằng việc tiếp nhận người tị nạn Palestine sẽ là một công việc lâu dài và có thể chỉ được thực hiện dưới thời chính quyền mới của Tổng thống Prabowo. “Bởi vì câu hỏi đầu tiên đó là làm thế nào để họ có thể rời khỏi Gaza,” bà Retno nói.
Theo Tổng thống đắc cử Prabowo, Tổng thống sắp mãn nhiệm Joko Widodo cũng có kế hoạch gửi các nhân viên ý tế tới Gaza và thiết lập một bệnh viện dã chiến để điều trị những người dân Palestines bị thương.
Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La gần đây ở Singapore, ông Prawobo nhấn mạnh quan điểm lâu dài của Indonesia rằng giải pháp duy nhất để đạt được hòa bình và an ninh lâu dài cho cả Israel và Palestine là giải pháp hai Nhà nước.
"Tại sao điều này lại quan trọng đối với chúng tôi? Bởi vì Indonesia là một phần của thế giới Hồi giáo. Mặc dù về mặt thể chất, chúng tôi không thuộc khu vực Trung Đông, nhưng những gì xảy ra ở khu vực này, ở Gaza có ảnh hưởng đến chúng tôi và người dân Indonesia lo ngại,” ông nói.
Theo Cơ quan Y tế Gaza, tính đến ngày 8/6, cuộc tấn công của Israel vào Dải Gaza kể từ tháng 10/2023 đã khiến ít nhất 36.801 người Palestine thiệt mạng và hàng nghìn người khác bị chôn vùi dưới đống đổ nát.
Cuộc chiến đã cắt đứt phần lớn nguồn cung cấp thực phẩm, thuốc men và nhu yếu phẩm khác cho người dân Palestine, khiến dải đất này đang đối mặt với nguy cơ nạn đói lan rộng. Các cơ quan của Liên Hợp Quốc cảnh báo có hơn 1 triệu người ở Gaza có thể phải chịu nạn đói ở mức độ cao nhất vào giữa tháng 7.